15:57 05/05/2025

Học tiếng Anh qua AI: Cơ hội hay rủi ro của các edtech Việt Nam?

Bảo Bình

Trong kỷ nguyên AI, các công ty công nghệ giáo dục cần tập trung xây dựng nền tảng học tập linh hoạt, kết hợp lớp học truyền thống và công nghệ AI tiên tiến. Sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố công nghệ và con người được xem là chìa khóa giúp EdTech Việt Nam bứt phá…

Tiếng Anh vẫn là một rào cản lớn với học sinh Việt Nam khi du học. Ảnh: Internet
Tiếng Anh vẫn là một rào cản lớn với học sinh Việt Nam khi du học. Ảnh: Internet

Trong bối cảnh nhu cầu học tiếng Anh ngày càng gia tăng tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội đột phá cho ngành công nghệ giáo dục (EdTech). Không chỉ giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập, AI còn cho phép học sinh cải thiện kỹ năng một cách linh hoạt, vượt qua giới hạn về không gian, thời gian và nguồn lực con người.

Tuy nhiên, theo bà Trần Lê Thanh Như, Giám đốc quốc gia BrightCHAMPS Vietnam, AI không thay thế được vai trò của giáo viên và trung tâm đào tạo, mà cần được nhìn nhận như một công cụ hỗ trợ thiết yếu nếu được triển khai đúng cách.

THỊ TRƯỜNG HỌC NGÔN NGỮ TRỰC TUYẾN TOÀN CẦU TĂNG TRƯỞNG 16,3% TRONG GIAI ĐOẠN 2025–2030

Theo báo cáo từ Research and Markets, thị trường nền tảng học ngôn ngữ trực tuyến toàn cầu đạt giá trị 9,32 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 16,3% trong giai đoạn 2025–2030. Sự tích hợp AI và cá nhân hóa học tập được xem là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này. 

Tại Việt Nam, nghiên cứu năm 2024 của ResearchGate cho thấy 100% học sinh tại Hà Nội đã sử dụng công cụ AI trong việc học tiếng Anh, với tần suất sử dụng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng AI vẫn mang tính tự phát và chưa được hỗ trợ đầy đủ từ phía giáo viên và nhà trường.

Bà Trần Lê Thanh Như cho rằng AI đang được ứng dụng sâu vào việc dạy và học tiếng Anh, giúp học sinh cải thiện cả kỹ năng nói và viết thông qua các chatbot hội thoại mô phỏng tình huống thực tế. Những mô hình AI này không chỉ dừng lại ở việc sửa lỗi phát âm hay ngữ pháp, mà còn phân tích ngữ nghĩa, phong cách biểu đạt và gợi ý cách dùng từ phù hợp với bối cảnh giao tiếp, nhằm giúp người học sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên hơn.

Đáng chú ý, hệ thống còn cho phép cá nhân hóa bài học bằng cách phân tích hiệu suất, sở thích và tốc độ tiếp thu của từng học sinh. Một số học sinh học tốt hơn khi đọc, số khác lại tiếp thu hiệu quả hơn qua nghe hoặc hình ảnh. Dựa vào các chỉ số này, AI tự động điều chỉnh hình thức giảng dạy, đề xuất tài liệu và đưa ra phản hồi sát với nhu cầu thực tế của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, các nền tảng edtech còn tích hợp các công cụ luyện nói với phản hồi tức thời về từ vựng, ngữ pháp và phát âm. Các cuộc trò chuyện được mô phỏng ngày càng phức tạp, phù hợp với trình độ học sinh, giúp các em xây dựng sự tự tin trong giao tiếp qua quá trình thực hành lặp lại.

Dù vậy, việc ứng dụng AI vào học tiếng Anh cũng không thể thiếu những cảnh báo. Theo bà Thanh Như, nguy cơ lớn nhất đến từ sự phụ thuộc thái quá vào công nghệ, khiến học sinh mất dần khả năng tư duy độc lập và phản xạ tự nhiên trong giao tiếp thực tế. Việc để AI “trả lời hộ” mọi câu hỏi có thể dẫn đến thói quen học thụ động, sao chép máy móc và thậm chí là gian lận học thuật nếu không có sự kiểm soát phù hợp.

Một hạn chế khác là chất lượng đầu ra của AI không phải lúc nào cũng chính xác. Công nghệ này vẫn có thể mắc lỗi, đặc biệt khi xử lý các biểu hiện ngôn ngữ mang tính ẩn dụ, thành ngữ hay mang màu sắc văn hóa đặc thù. Trẻ nhỏ và học sinh phổ thông thường không đủ khả năng phát hiện những sai lệch này nếu không có sự hướng dẫn từ giáo viên.

Ngoài ra, AI đòi hỏi hạ tầng công nghệ đồng bộ và kết nối internet ổn định – điều mà không phải học sinh nào tại Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận. Những lo ngại về bảo mật, quyền riêng tư và việc thu thập dữ liệu cá nhân từ các nền tảng học tập cũng là vấn đề chưa thể xem nhẹ, nhất là khi đối tượng người dùng chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên.

KẾT HỢP HÀI HÒA YẾU TỐ CÔNG NGHỆ VÀ CON NGƯỜI LÀ CHÌA KHÓA GIÚP EDTECH VIỆT BỨT PHÁ

Mặc dù các ứng dụng AI đang phát triển mạnh mẽ, bà Trần Lê Thanh Như cho rằng học sinh vẫn cần đến các “thầy cô thật sự” ở nhà trường và các trung tâm giáo dục. “Học một ngôn ngữ không chỉ là tiếp thu ngữ pháp hay từ vựng mà còn là quá trình rèn luyện giao tiếp, phản xạ, biểu đạt cảm xúc và tư duy ngôn ngữ – những yếu tố mà công nghệ hiện nay chưa thể thay thế”, Giám đốc quốc gia BrightCHAMPS Vietnam cho biết.

Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh Việt Nam hầu như chưa bao giờ hạ nhiệt. Ảnh minh họa
Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh Việt Nam hầu như chưa bao giờ hạ nhiệt. Ảnh minh họa

Các lớp học trực tiếp, dù tổ chức tại trung tâm hay qua hình thức trực tuyến, vẫn mang lại môi trường tương tác xã hội và phản hồi thời gian thực từ giáo viên và bạn học. Qua đó, học sinh được rèn luyện khả năng ứng biến, suy nghĩ nhanh, phát âm chính xác và làm việc nhóm – những kỹ năng không thể thiếu trong môi trường học tập và làm việc hiện đại.

Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế lộ trình học phù hợp, hướng dẫn và động viên học sinh duy trì động lực. Đặc biệt, các khóa học chuyên sâu như IELTS, TOEFL hay tiếng Anh chuyên ngành đều đòi hỏi sự giảng dạy bài bản, điều mà một hệ thống AI tự học hiện tại khó đáp ứng đầy đủ.

Tuy nhiên, thay vì đối lập giữa công nghệ và con người, bà Như cho rằng chính sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này mới là chìa khóa giúp EdTech Việt Nam bứt phá. Trong kỷ nguyên AI, các công ty công nghệ giáo dục cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng học tập linh hoạt, kết hợp giữa mô hình lớp học truyền thống và công nghệ AI tiên tiến.

“Việc tích hợp các công cụ học tập thông minh, phân tích dữ liệu học sinh để cá nhân hóa bài học, hay sử dụng AI để hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, đánh giá năng lực và quản lý lớp học… sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực giảng dạy và cải thiện chất lượng giáo dục”, bà Trần Lê Thanh Như nói.

Nhu cầu học tiếng Anh của học sinh Việt Nam hầu như chưa bao giờ hạ nhiệt, đặc biệt trong nhiều năm trở lại đây, tiếng Anh đã trở thành chiếc chìa khóa thiết yếu đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình hội nhập và phát triển. Theo ông Ian Crichton, CEO Tập đoàn giáo dục Study Group, hiện nay việc biết đọc, biết viết và sử dụng tốt các công cụ thông tin - tức là "có kỹ năng đọc - viết và ứng dụng công nghệ" đóng vai trò quan trọng.

Trong đó, ông Ian Crichton cho rằng với người trẻ Việt Nam, học tiếng Anh sẽ giúp họ có thể giao tiếp toàn cầu và tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội quốc tế. Ông cho biết sinh viên Việt Nam đi du học hiện nay vẫn đối mặt với khó khăn lớn về tiếng Anh.

Ông Ian Crichton cho rằng ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh, đang là rào cản lớn nhất và cũng là thứ xứng đáng để đầu tư nghiêm túc. “Nếu bạn có thể giao tiếp, gần như vấn đề gì bạn cũng có thể giải quyết được. Nhưng nếu không thể giao tiếp, thì rất khó làm được điều gì. Vì thế, tôi cho rằng ngôn ngữ là yếu tố then chốt”.

Với phương pháp học tiếng Anh qua các công cụ AI, các chuyên gia cho rằng AI không phải là giải pháp thay thế giáo viên, mà là công cụ giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh này, nếu biết tận dụng đúng cách, EdTech Việt hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm giáo dục cá nhân hóa, thông minh và tiếp cận rộng rãi – không chỉ phục vụ học sinh trong nước mà còn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.