10:51 27/02/2013

Hợp đồng SJC - Ngân hàng Nhà nước: Hai điểm đáng chú ý

Minh Đức

SJC không được tiết lộ số lượng vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đặt hàng

Theo hợp đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện sản xuất vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc yêu cầu SJC gia công vàng miếng.
Theo hợp đồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện sản xuất vàng miếng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc yêu cầu SJC gia công vàng miếng.
Chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Đây là bước chuẩn bị về nguồn hàng của Ngân hàng Nhà nước để sẵn sàng vào cuộc bình ổn giá khi các văn bản pháp lý chính thức ban hành.

Tại lễ ký kết, cơ quan này cho biết đây là nguồn vàng nguyên liệu sẵn có trong dự trữ ngoại hối, đặt hàng gia công thành loại vàng miếng 1 lượng mang thương hiệu SJC - loại vàng tiêu chuẩn dùng để đấu thầu (bán ra) với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Bản hợp đồng nguyên tắc vừa ký có nhiều nội dung kỹ thuật, trong đó có hai cam kết đáng chú ý là: SJC không được tiết lộ số lượng vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đặt hàng; trong 3 ngày SJC phải bàn giao sản phẩm đã đặt hàng.

Như vậy, giả sử tại thời điểm này nhà điều hành vào cuộc bình ổn giá ngay, thì tối đa chỉ mất 3 ngày để có nguồn vàng miếng đúng tiêu chuẩn và thương hiệu SJC bán ra thị trường qua đấu thầu với các đầu mối.

Theo nội dung dự thảo cơ chế mua bán (đấu thầu) liên quan, sau khi giao dịch thành công, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao hàng cho các đầu mối trong thời gian tối đa là 2 ngày.

Một số doanh nghiệp cho rằng, khoảng thời gian trên là độ trễ khá lớn, bởi giá vàng thường biến động nhanh và khó lường, hàng giao chậm dễ dẫn tới rủi ro. Yêu cầu đặt ra là cần có vàng giao ngay.

Lãnh đạo vụ chức năng giải thích rằng, do đây là đấu thầu vàng vật chất, các thành viên phải có mặt trực tiếp và liên quan đến công tác kho quỹ…, nên có độ trễ thời gian nhất định. Tuy nhiên, với công tác chuẩn bị và rà soát lại các quy trình, Ngân hàng Nhà nước dự tính sau chốt giá, việc giao vàng có thể chỉ tính theo từng giờ, đáp ứng yêu cầu của các thành viên cũng như tăng khả năng điều tiết thị trường nhanh hơn.

Trao đổi bên lề lễ ký chiều qua, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay các công tác chuẩn bị cho kế hoạch vào cuộc bình ổn giá đã sẵn sàng, việc còn lại là chờ đợi các văn bản pháp lý được ban hành (sau khi đã xây dựng dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến của các thành viên thị trường để hoàn thiện).

“Kế hoạch này của Ngân hàng Nhà nước là nhằm triển khai chỉ đạo tại nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Ngay khi hoàn thiện cơ chế, chúng tôi sẽ vào cuộc ngay, quyết liệt để bình ổn thị trường và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới”, ông Hưng nói.

Vị lãnh đạo chuyên trách này cũng đề cập đến khả năng sẵn sàng can thiệp bằng nguồn hàng lớn, đủ mạnh để khắc phục hạn chế thiếu cung trên thị trường hiện nay.

Như cam kết trong hợp đồng, lượng hàng SJC gia công mỗi đợt không được tiết lộ. Còn theo tìm hiểu của VnEconomy, sắp tới nguồn hàng có thể chỉ khoảng 3 - 5 tấn để tạo cộng hưởng, nhưng cũng có thể lên tới 10 tấn, hoặc nhiều hơn, theo mức độ điều chỉnh giá trên thị trường, mà cụ thể là chênh lệch giá trong nước với giá thế giới.

Giả sử, mức cung hàng đợt này là 20 tấn, năng lực sản xuất của SJC hoàn toàn có thể xử lý chỉ trong khoảng 1 tuần. Bình quân mỗi ngày công ty này dập được quy mô 3 tấn. Chi phí liên quan đến việc gia công này là 50.000 đồng/lượng.

Trao đổi với báo giới tại lễ ký trên, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SJC, khẳng định: “Tôi đảm bảo chỉ trong vòng một tuần sau cuộc ký kết này, giá vàng trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới. Cũng đơn giản thôi vì trước đây nguồn cung vàng của mình bị gián đoạn do nhà nước không cho nhập vàng để hạn chế nhập siêu và chống lạm phát. Còn nay, khi Ngân hàng Nhà nước chủ động sản xuất vàng miếng như nhập nguyên liệu vàng khi thấy cần thiết thì giá trong nước chắc chắn sẽ gần với giá thế giới”.

Ông Dũng cũng nhìn nhận, giá trên thị trường những ngày tới sẽ khó cưỡng lại trước một nguồn cung đủ lớn như vậy.

Thực tế trong những ngày đầu tuần này, giá vàng trong nước đã có dấu hiệu “bắt nhịp” chính sách, khi liên tục giảm mạnh, thậm chí ngược xu hướng tăng khá mạnh trên thị trường thế giới. Đến sáng nay (27/2), mức chênh lệch từ khoảng 5,3 triệu đồng/lượng có ở tuần trước đã rút xuống dưới 4 triệu đồng/lượng.

Dự kiến, cuối tuần này, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tổ chức đấu thầu cụ thể để khởi động cho kế hoạch được hâm nóng trong vài tháng qua.