08:49 05/08/2010

Hợp tác quản lý chất lượng hàng hóa Việt - Trung

Phan Anh

Diễn đàn hợp tác chứng nhận, công nhận chất lượng sản phẩm Việt - Trung vừa được tổ chức tại Hà Nội

Ký biên bản Hội đàm hợp tác song phương giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Kiểm tra, Giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc.
Ký biên bản Hội đàm hợp tác song phương giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Kiểm tra, Giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 25 tỷ USD trong năm 2010 cần minh bạch hóa các thủ tục, quy trình đánh giá  sản phẩm hàng hóa...

Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn hợp tác chứng nhận, công nhận chất lượng sản phẩm Việt - Trung do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tổng cục Kiểm tra, Giám sát chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc tổ chức ngày 4/8 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nguyễn Quân khẳng định: về bản chất, rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại sẽ nảy sinh khi không có sự tương xứng về trình độ và hạ tầng trong đánh giá sự phù hợp. Vì vậy, việc tăng cường năng lực đánh giá, công nhận, thừa nhận giữa các quốc gia là một trong những điều kiện tất yếu để xóa bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định riêng về phụ tùng xe máy và mũ bảo hiểm. Đây là những sản phẩm bắt buộc phải công nhận, chứng nhận.. Ông Tôn Đại Vỹ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm tra, giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc cho rằng, việc chấp hành lẫn nhau quy định pháp luật của 2 nước về kiểm định chất lượng hàng hóa sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy xúc tiến mậu dịch 2 nước.

Việt Nam có văn phòng công nhận chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã được Hoa Kỳ và Hồng Kông chấp nhận là một tổ chức công nhận, đánh giá các tổ chức chứng nhận khác. Theo ông Quân, nếu 1 tổ chức đánh giá của Việt Nam đã được văn phòng công nhận thì điều đó cũng sẽ có giá trị ở những quốc gia đang hợp tác với Việt Nam. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận được thì những tổ chức chứng nhận của 2 nước sẽ hợp tác cùng nhau và chất lượng sản phẩm hàng hóa của mỗi nước sẽ được thừa nhận lẫn nhau.

Văn phòng công nhận của Việt Nam đã công nhận hơn 500 tổ chức Việt Nam đủ điều kiện chứng nhận và kiểm định, thử nghiệm. Những chứng chỉ của các tổ chức này cấp cho doanh nghiệp có giá trị với nhiều nước có thỏa thuận song phương. "Chúng tôi cũng sẽ xúc tiến cùng với Trung Quốc, sẽ có những thỏa thuận được ký kết giữa 2 nước để hoạt động công nhận chứng nhận giữa 2 nước có sự lưu thông, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại 2 nước", ông Quân nhấn mạnh.

Đến nay 2 nước Việt - Trung đã hợp tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo thừa nhận chất lượng hàng hóa lưu thông; cùng với đó là hợp tác kiểm dịch động thực vật, y tế. Trong thời gian qua, 2 phía thường xuyên có sự hợp tác, giải quyết những vẫn đề còn tồn tại trong thương mại mậu dịch ở các lĩnh vực chất lượng hàng hóa, y tế, động thực vật...

Ông Vỹ cho biết, Trung Quốc đã ký với Việt Nam 11 bản ghi nhớ, thỏa thuận, hiệp định đang được triển khai có hiệu quả. Thông qua các chương trình, sẽ là cơ sở, cầu nối hợp tác với các nước ASEAN, thúc đẩy thương mại với Việt Nam. "Chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác 3 năm về công nhận, chứng nhận trong đó đi sâu vào lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm để giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa 2 nước, thúc đẩy giá trị thương mại, phát triển lành mạnh", ông Vỹ nói.

Diễn đàn lần 2 này đi sâu vào tìm hiểu và giải quyết các vấn đề cả 2 bên cùng quan tâm trong lĩnh vực chứng nhận, công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thời kỳ mới. Các tổ chức chứng nhận và công nhận 2 nước sẽ có những chuyến thăm, trao đổi các đoàn cán bộ các tổ chức công nhận chứng nhận và làm việc để tìm hiểu, đánh giá năng lực chứng nhận và trên cơ sở đó thừa nhận kết quả chứng nhận của nhau, ông Vỹ cho biết.

Mặc dù hoạt động công nhận và chứng nhận 2 nước đã có một số thuận lợi nhưng vẫn còn có những tồn tại. Đôi lúc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn tồn đọng đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm mà nguyên nhân là do hoạt động công nhận và chứng nhận giữa 2 nước còn nhiều hạn chế, tồn tại. Do 2 nước có đường biên giới chung dài nên hàng hóa xuất nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhiều, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong thời gian tới, 2 nước cần có những phương án hợp tác tốt hơn, có nhiều tổ chức chứng nhận được công nhận và thừa nhận lẫn nhau... để việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước được thuận lợi hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa qua biên giới; tập trung vào xuất khẩu chính ngạch và hạn chế tối đa nhập khẩu tiểu ngạch. Hàng hóa qua đường tiểu ngạch không được kiểm tra, giám sát chất lượng đầy đủ, nghiêm ngặt nên có nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng qua biên giới.