16:19 04/09/2013

HSBC lo lạm phát cao tại Việt Nam trong tháng 9

Hoài Ngân

Những lo ngại về lạm phát tăng vọt lại xuất hiện

Nhìn nhận lạm phát đã tăng cao hơn cho dù vẫn nằm trong vòng kiểm soát, HSBC nhấn mạnh "lạm phát vẫn là một thử thách" - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhìn nhận lạm phát đã tăng cao hơn cho dù vẫn nằm trong vòng kiểm soát, HSBC nhấn mạnh "lạm phát vẫn là một thử thách" - Ảnh: Việt Tuấn.
Bản báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường Việt Nam cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu trong tháng 9 này.

Nhìn nhận lạm phát đã tăng cao hơn cho dù vẫn nằm trong vòng kiểm soát, HSBC nhấn mạnh "lạm phát vẫn là một thử thách".

Theo báo cáo này, giá cả các mặt hàng đã tăng trong tháng 8 và được tiên đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tháng 9 do giá năng lượng, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ đang tăng.

Việt Nam đã từng có lịch sử lạm phát cao trong tháng 8, khi hai mức lạm phát đỉnh điểm trong thập niên qua đều xuất hiện trong tháng 8: 23,8% trong năm 2008 và 23% trong năm 2011. Vì vậy, khi giá cả leo thang từ mức 7,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,5% trong tháng 8, những lo ngại về lạm phát tăng vọt lại xuất hiện.

"Phải thừa nhận rằng những mối lo ngại này là không phải không có căn cứ. Chính phủ đang tăng các loại chi phí dịch vụ xã hội và năng lượng để giảm những thiếu hụt tài chính trong thời điểm hiện tại khi giá cả hàng hoá tăng nhanh do những căng thẳng tình hình chính trị các khu vực và triển vọng toàn cầu khôi phục mạnh mẽ hơn trong nửa sau năm 2013", báo cáo viết.

Tuy nhiên, các chuyên gia thực hiện báo cáo cũng cho rằng con số lạm phát so sánh cùng kỳ năm ngoái có vẻ sẽ được duy trì dưới mức 8% từ nay cho đến cuối năm nhờ vào một hiệu ứng thích hợp và nhu cầu nội địa còn thấp.

"Có nhiều lý do nữa để tin tưởng mọi việc khác đi trong tháng 8 này. Hai ví dụ về mức lạm phát cao trong năm 2008 và 2011 đều là kết quả của việc Chính phủ xem xét lại cách thức điều hành nền kinh tế. Mặc dù lạm phát tháng 8 là con số cao nhất kể từ tháng 5/2012, nhưng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện kể từ năm 2011", báo cáo viết tiếp.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc cán cân thương mại đều thặng dư trong năm 2012 và thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay đều nằm trong tầm quản lý được ở mức 577 triệu USD. Thâm hụt thương mại giảm là kết quả của việc đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành điện tử và sản xuất tăng cao sẽ thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp hơn.

Với việc thâm hụt tài chính và thương mại đã giảm xuống, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà làm chính sách sẽ giải quyết vấn đề nợ xấu như thế nào. Những sáng kiến cải tổ chính yếu vẫn đang trong quá trình thực hiện, bao gồm Nghị định 11, Quyết định 254 về cải tổ ngân hàng và kế hoạch cải cách nền kinh tế trong giai đoạn 2013 đến 2020.

HSBC cho rằng Việt Nam đang thực hiện một quá trình cải cách để chấn chỉnh hoạt động đầu tư quá đà trong quá khứ. Nền kinh tế đang mắc nợ dẫn tới việc nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều giảm. Về mặt tài chính, Chính phủ cũng đã cắt giảm bớt các hạng mục chi tiêu, đặc biệt là trong việc phát triển đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2013, chi tiêu Chính phủ từ đầu năm tới tháng 6 chỉ tăng 13,1% (so với mức 20,6% cùng kỳ năm 2012 và 33,1% trong năm 2011) và thu ngân sách quốc gia chỉ tăng có 1% (so với mức 10,4% trong năm 2012 và 36,4% trong năm 2011). Nhu cầu trong nước đã giảm trong năm 2011 và vì vậy cũng chỉ tăng dưới mức 5%. Tính từ đầu năm tới nay, tín dụng chỉ tăng 5,3%.

"Trong khi Chính phủ Việt Nam đã đi một quãng đường dài để kéo nền kinh tế trở lại nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chúng tôi tin rằng những cải cách hơn nữa rất cần thiết để giúp nền kinh tế đạt được tiềm năng phát triển của mình. Kỳ vọng của chúng tôi là nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 5% trong hai năm tới. Cho dù có tăng trưởng nhưng kết quả vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng cải tổ sẽ được thực hiện", báo cáo nhấn mạnh.