15:30 03/06/2013

HSBC: Sản xuất của Việt Nam giảm sút trở lại

An Huy

Báo cáo của HSBC cho thấy, hoạt động sản xuất đang chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi nhu cầu yếu của thị trường nội địa

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam do Ngân hàng HSBC thực hiện qua các tháng.<br>
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam do Ngân hàng HSBC thực hiện qua các tháng.<br>
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do Ngân hàng HSBC thực hiện cho thấy sự giảm sút của hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong tháng 5 vừa qua.

Báo cáo do HSBC công bố hôm nay (3/6) cho thấy, chỉ số PMI của Việt Nam giảm còn 48,8 điểm trong tháng 5, so với mức 51 điểm của tháng 4. Với chỉ số này, trên ngưỡng 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, còn dưới 50 điểm là chỉ sự suy giảm. Đây là tháng đầu tiên kể từ tháng 2, chỉ số PMI ở dưới mức 50 điểm.

Báo cáo của HSBC cho thấy, hoạt động sản xuất đang chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi nhu cầu yếu của thị trường nội địa. Trong khi đó, số đơn đặt hàng xuất khẩu tiếp tục duy trì xu thế hồi phục nhẹ trong 3 tháng trở lại đây, với tháng 5 là tháng chứng kiến số đơn đặt hàng xuất khẩu tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/2012. Các công ty cho hay, nhu cầu của khách hàng từ Trung Quốc và Mỹ đang được cải thiện.

Đây là tháng thứ 2 trong vòng 4 tháng trở lại đây có sự giảm sút về việc làm. Các công ty tiếp tục có thái độ thận trọng đối với vấn đề tuyển thêm lao động. Bên cạnh nguyên nhân là sự đi xuống của nhu cầu, các công ty cũng muốn cắt giảm số lượng lao động để tiết kiệm chi phí.

Ngành sản xuất không chịu nhiều áp lực tăng giá trong tháng. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp mà chi phí đầu vào trung bình tăng, nhưng tốc độ tăng giá là thấp nhất kể từ đầu năm. Ở đầu ra, giá trung bình hầu như không thay đổi trong tháng. Áp lực cạnh tranh đã khiến các nhà sản xuất khó tăng giá đầu ra sản phẩm.

Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen của HSBC cho rằng, quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam còn mong manh và tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nhu cầu yếu tại thị trường nội địa, trong khi hoạt động sản xuất toàn cầu nói chung vẫn còn yếu.

Theo chuyên gia này, cho tới khi vấn đề nợ xấu trong hệ thống tài chính của Việt Nam được giải quyết, thì tâm lý ngần ngại tiêu dùng và đầu tư sẽ tiếp tục cản trở tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.