10:48 20/05/2011

Hy sinh tăng trưởng, “thần dược” trị lạm phát?

Hồng Ngọc

Tại các nền kinh tế mới nổi cũng như Mỹ, châu Âu, vấn nạn giá cả tăng cao đang trở thành mối quan ngại hàng đầu

Ấn Độ đang chấp nhận hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát - Ảnh: AP.
Ấn Độ đang chấp nhận hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát - Ảnh: AP.
Tại các nền kinh tế mới nổi cũng như Mỹ, châu Âu, vấn nạn giá cả tăng cao đang trở thành mối quan ngại hàng đầu, RFI dẫn nguồn bài viết trên tờ Le Monde của Pháp cho hay. Để đối phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đang chấp nhận hy sinh tăng trưởng.

Lạm phát leo thang là nỗi lo không chỉ đối với các hộ gia đình mà còn cho các công ty, các định chế tiền tệ. Tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân chung, đó là giá nguyên vật liệu tăng cao, do nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của các nước đang phát triển.

Tại châu Âu, giá cả đã tăng 2,8%, cao nhất từ 30 tháng qua. Còn tại các nước mà thực phẩm luôn chiếm tỷ lệ từ 30 đến 40% trong tổng chi của các gia đình, thì cú sốc lại càng mạnh. Tỷ lệ lạm phát tại Ấn Độ là 8,6%, tại Brazil 6,5%, Trung Quốc 5,3%...

Trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia đã chấp nhận hy sinh tăng trưởng, điển hình như Ấn Độ. Theo Le Monde, Ấn Độ sẽ phải hy sinh một phần tăng trưởng cho cuộc đấu tranh chống lạm phát. Tỷ lệ tăng trưởng dự kiến cho năm tài chính 2011-2012 trước đây là 9%, nay chính phủ phải hạ xuống 8 đến 8,5%, trước tình hình lạm phát vượt xa mức trần là 5,5%.

Khác với năm ngoái, lạm phát không chỉ ở giá thực phẩm, mà giá các loại nguyên vật liệu khác đặc biệt là dầu lửa cũng tăng vọt, trong khi nhu cầu và sản xuất công nghiệp vẫn cao. Năm 2010, Ấn Độ đã chọn lựa không chống lạm phát để không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vừa mới khởi đầu trở lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa ổn định.

Nhưng nay thì đấu tranh chống lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu, vì lạm phát đang đe dọa tăng trưởng trong trung hạn. Ngân hàng trung ương nước này vừa tăng lãi suất, và có thể còn tăng nữa trong tháng 6 tới, bất chấp hoạt động kinh tế có thể bị chững lại.

Vật giá gia tăng là vấn đề hết sức nhạy cảm trong một đất nước có đến 400 triệu người thu nhập dưới 2 USD/ngày. Chỉ cần giá đường, giá gạo tăng lên vài xu, cũng đủ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cho những hộ nghèo.

Trong quá khứ, nạn lạm phát từng gây ra những xáo trộn về chính trị tại Ấn Độ, như vụ giá củ hành, loại thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn của người Ấn Độ hồi năm 1980. Hiện tại, ba mươi năm sau, đến lượt giá xăng dầu đang khiến người dân mệt mỏi căng thẳng. Do Ấn Độ phải nhập đến 80% dầu hỏa, giá cả trong lĩnh vực này, vốn được nhà nước quản lý và trợ giá.

Hôm 14/5 khi chính phủ quyết định tăng giá xăng dầu 8,5% vì dầu hỏa thế giới tăng, các công đoàn và đảng phái đối lập đã tổ chức biểu tình trên khắp cả nước. Và như vậy kế hoạch thả nổi giá xăng dầu cũng như kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách đành phải hoãn lại.

Theo một chuyên gia, trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính, hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo chính trị đều tin rằng nạn lạm phát đã cáo chung, do xu hướng toàn cầu hóa. Trung Quốc với lao động giá rẻ sẽ luôn kéo giá cả phương Tây xuống thấp. Nhưng thực tế ngày nay cho thấy, nạn lạm phát đã quay lại trên toàn cầu.

Tại các nước khu vực đồng Euro, tăng trưởng đã bắt đầu tái lập, nhưng nếu lương bổng không tăng, sức mua sẽ bị sụt giảm. Giá thực phẩm và xăng dầu tăng có ảnh hưởng mạnh về tâm lý, làm giảm sút tiền lương thực tế, và người ta có khuynh hướng kìm hãm bớt tiêu dùng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đều đã phải tăng lãi suất. Còn tại châu Á và Mỹ Latin thì từ nhiều tháng qua, cuộc đấu tranh chống lạm phát đã luôn là ưu tiên hàng đầu. Ngân hàng các nước này cố gắng siết lại tín dụng.

Tại Ấn Độ, lãi suất đã được điều chỉnh đến 9 lần trong vòng 15 tháng qua, trở thành quốc gia có tốc độ nâng lãi suất nhanh nhất châu Á. Còn Trung Quốc cũng đã 4 lần nâng lãi suất kể từ tháng 10 năm ngoái, bất chấp nguy cơ làm kìm hãm hoạt động kinh tế trong một khu vực đang là đầu tàu cho tăng trưởng thế giới.

Theo một số chuyên gia, thì bức tranh thật ra không đến nỗi ảm đạm lắm. Lạm phát và tiền lương tăng tại các nước đang nổi cũng mang lại cơ hội cho các quốc gia công nghiệp hóa. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, lạm phát cao tại khu vực mới nổi sẽ phủ bóng ảm đạm lên viễn cảnh của các doanh nghiệp quốc tế, do những công xưởng giá rẻ dần biến mất.

Hai câu hỏi được đặt ra lúc này là, liệu nạn lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài bao lâu? Và liệu việc hy sinh tăng trưởng có phải là thần dược trị lạm phát hay không? Tất cả còn chưa rõ ràng. Mọi việc tùy thuộc vào giá cả nguyên vật liệu trong những tháng tới, nhưng khó ai có thể đoán trước được điều gì.

Theo báo cáo mới nhất công bố hôm 19/5, lạm phát giá thực phẩm tại Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua đã tăng trưởng chậm lại. Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, giá lương thực tại nước này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2/2009, nhưng lại xuất phát từ sản xuất lương thực tăng mạnh, gia tăng nguồn cung thực phẩm.

Chỉ số đo lường giá bán buôn các sản phẩm nông nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 7/5 tăng 7,47% so với cùng kì. Chỉ số này tăng 7,7% trong tuần trước.

Sản xuất lương thực bao gồm gạo, lúa mì, đậu lăng và ngô, ước tính tăng 8% đến mức kỷ lục 235,88 triệu tấn trong năm kết thúc vào tháng 6 tới. Một nhà kinh tế học tại Viện Tài chính công Ấn Độ cho biết, lạm phát thực phẩm sẽ có xu hướng giảm do dư thừa nguồn cung.