ILO: Bộ luật Lao động mới của Việt Nam tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế
Bộ luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm, quan hệ lao động, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng
Nhân dịp Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có những phân tích và cho rằng, bộ luật mới tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, từ đó giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế.
"Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng", Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Bộ luật cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với nền kinh tế thị trường trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.
Nội dung thay đổi quan trọng nhất lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: "Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của ILO. Điều này giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết".
Một nội dung thay đổi lớn khác là Bộ luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.
Điểm tiến bộ cũng được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp.
Cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là 4 nguyên tắc được đặt ra trong 8 công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998.
Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh, tôn trọng các công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm CPTPP và EVFTA, cũng như của các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Vẫn có thể được cải thiện
"Bộ luật Lao động (sửa đổi) đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO", ông Chang - Hee Lee nhận định và lý giải, bởi bộ luật tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Mặc dù vậy, cũng như ở nhiều nước khác, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ rằng, bộ luật vẫn còn có những khoảng cách và nội dung có thể tiếp tục cải thiện.
Bên cạnh đó, vẫn còn có khoảng cách trong việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc liên quan đến chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong lao động.
Ngoài ra, quyền tự do hiệp hội trong bộ luật hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây, để song hành với những nỗ lực của Chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023.
Tuy nhiên, vấn đề cần chú trọng trước mắt là việc giải thích các điều khoản mới thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai.