11:39 20/06/2008

Iran đẩy mạnh “ngoại giao dầu lửa”

Quốc Trung

Chính phủ Iran một lần nữa kiên quyết bác bỏ đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về tạm ngừng hoạt động hạt nhân

Tổng thống Iran M. Ahmadinejad.
Tổng thống Iran M. Ahmadinejad.
Chính phủ Iran một lần nữa kiên quyết bác bỏ đề xuất của nhóm 5+1 (Đức và 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) về tạm ngừng hoạt động hạt nhân. Tận dụng thế mạnh dầu lửa, Tehheran đang thoát khỏi sự bao vây, trừng phạt của Mỹ bằng các dự án hợp tác đầu tư với nhiều nước đang phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ sa sút và đang sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq, Apganistan; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 đang đến gần, ngày càng có nhiều quốc gia phớt lờ lệnh trừng phạt của Mỹ, họ vẫn hợp tác kinh tế với Iran.

Thu hút đồng minh bằng các hợp đồng kinh tế

Theo Thời báo Tài chính Anh, chỉ vài tuần, sau khi Indonesia - nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc duy nhất bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết về chương trình hạt nhân của Tehheran, Tổng thống Iran M. Ahmadinejad đã chiêu đãi Tổng thống Indonesia S.B. Yudhoyono như một người anh em và hai bên đã ký 5 bản ghi nhớ cùng một thoả thuận xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 6 tỷ USD ở Indonesia, khi ông này sang thăm Iran.

Tổng thống Iran đã tuyên bố: “Chúng ta cùng hợp tác để kiến tạo hoà bình thế giới”. Trong khi Tổng thống Indonesia khẳng định: “Chương trình hạt nhân của Iran mang bản chất hoà bình, không nên chính trị hoá nó”.

Các nhà quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán của lãnh đạo Iran với các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển thường kết thúc với những cam kết của Iran về viện trợ và hợp tác đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dầu lửa. Đổi lại, các nước nhận viện trợ ủng hộ quyền có năng lượng hạt nhân của Iran.

Trong ba năm làm Tổng thống, ông Ahmadinejad đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo đi công cán nước ngoài nhiều nhất của Iran. Iran đã có hàng chục dự án đầu tư ở những nước mà ông Ahmadinejad đến thăm.

Theo nhà bình luận chính trị Mỹ K. Afrasiabi, Iran đang thực hiện chính sách toàn cầu để vô hiệu hoá các chính sách trừng phạt, cô lập của Mỹ. Iran đang tìm kiếm liên minh để chống lại quyền bá chủ thế giới của Mỹ và trong cuộc chơi này, Iran có nhiều con bài kinh tế. Cố vấn an ninh quốc gia của Iran, Saeed Jalili mới đây tuyên bố: Iran muốn trở thành một cường quốc toàn cầu và thúc đẩy chính sách đối ngoại tích cực ưu tiên cho sự công bằng toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, tham vọng toàn cầu của Iran sẽ được củng cố hơn nữa, nếu nước này gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải, do Nga và Trung Quốc đứng đầu. Mỹ không thể làm gì chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran, trong khi Iran có một chiến lược rõ ràng, còn Mỹ thì không có.

Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bế tắc

Cùng với việc đẩy mạnh “ngoại giao dầu lửa”, Iran vẫn kiên định lập trường cứng rắn trước những yêu cầu của Mỹ và phương Tây trong vấn đề hạt nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Alireza Sheikhattar ngày 17/6 tuyên bố, Iran sẽ tiếp tục hoạt động làm giàu urani; đồng thời nhấn mạnh rằng mọi yêu cầu Iran đình chỉ chương trình hạt nhân đều vượt quá "giới hạn đỏ" của nước này. Tuyên bố nói trên được đưa ra 3 ngày, sau khi ông Javier Solana, Đại diện cấp cao của EU trao cho Iran đề xuất cả gói mới của nhóm 5+1.

Tuần báo "Shahrvand-e Emrouz" của Iran đưa tin, nước này đã rút khoảng 75 tỷ USD ra khỏi châu Âu theo lệnh của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, để tránh cho những tài sản này khỏi bị phong tỏa, trước nguy cơ Iran bị áp đặt những biện pháp trừng phạt mới.

Báo trên dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề kinh tế: "Một phần các tài sản của Iran trong các ngân hàng châu Âu đã được chuyển thành vàng và cổ phiếu, còn một phần khác đã được chuyển sang các ngân hàng của châu Á". Tuy nhiên, cũng có thông tin nói rằng, Chính phủ Iran đã bác bỏ tin này.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice vừa cho biết, Chính phủ Mỹ hiện vẫn ưu tiên giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua các kênh ngoại giao. Trước đó, Tổng thống Mỹ Bush đã bày tỏ thất vọng về việc Iran bác bỏ điều kiện của nhóm 5+1.

Trong khi đó, Thủ tướng Yasuo Fukuda của Nhật Bản - nước chủ nhà Hội nghị cấp cao G8- phát biểu rằng các quốc gia liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran cần phải chung tay giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại. Trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn của Nhóm G-8 tại Tokyo, ông Fukuda nhấn mạnh: "Cần phải đối thoại triệt để và nhiều lần" để giải quyết chương trình làm giàu urani của Iran.