11:51 16/10/2008

Jica mới vẫn tiếp tục viện trợ cho Việt Nam

Thùy Linh

Chia sẻ của ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Jica Việt Nam về hoạt động việc trợ ODA cho Việt Nam trong thời gian tới

Lĩnh vực giao thông vận tải vẫn được Jica ưu tiên hàng đầu trong việc giải ngân ODA từ Nhật.
Lĩnh vực giao thông vận tải vẫn được Jica ưu tiên hàng đầu trong việc giải ngân ODA từ Nhật.
Từ tháng 10/2008, các hoạt động ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ được hợp nhất. Cơ quan Jica mới với nguồn tài chính khoảng 10 tỷ USD sẽ trở thành cơ quan phát triển song phương lớn nhất thế giới.

Nhân sự kiện này, ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Jica Việt Nam, đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi về hoạt động việc trợ ODA cho Việt Nam trong thời gian tới.

Trước vụ việc 4 quan chức của PCI bị kết tội hối lộ, quan điểm của Jica về vấn đề này như thế nào? Ông có nhận thấy những thay đổi trong đánh giá của người dân Nhật Bản đối với các dự án ODA của Nhật tại Việt Nam sau sự cố này không?

Với tư cách là một đơn vị viện trợ, một công trình của Nhật viện trợ mà doanh nghiệp làm điều vi phạm pháp luật như vậy chúng tôi rất lấy làm tiếc. Phía Jica cho rằng đây là trường hợp đặc biệt của riêng công ty này thôi.

Nhưng mặt khác, qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Nhật có thể nói rằng lòng tin của người dân Nhật đối với ODA giảm đi. Để tránh lặp lại, hai nước đã bước vào quá trình xem xét để cải thiện cơ cấu quản lý.

Cuối tháng 9 vừa qua Cục trưởng Cục Hợp tác Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đến Việt Nam, hai bên đã thống nhất lập Ủy ban chung Nhật-Việt phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA.

Theo đó, hai bên sẽ tăng cường trao đổi để tăng tính minh bạch và giám sát trong thực hiện các công trình. Bằng việc ký kết thành lập ủy ban này, chúng tôi hi vọng sẽ củng cố niềm tin của người dân Nhật đối với ODA tại Việt Nam. Nhờ vậy, sự việc sẽ không ảnh hưởng xấu đến cục diện chung trong quan hệ hai nước.

Sau khi hình thành Jica mới, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Trong những nước nhận ODA từ Nhật, Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất và được đánh giá là thành công so với các nước khác.

Với việc sáp nhập này, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ tăng như thế nào tôi không thể trả lời cụ thể. Nhưng tôi có thể khẳng định Việt Nam trước sau vẫn là đối tác quan trọng nhất trong viện trợ ODA của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản vẫn luôn duy trì tích cực việc viện trợ ODA cho Việt Nam.

Giao thông là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Việt Nam nhận được ODA của Nhật Bản. Với việc sáp nhập này, vốn ODA dành cho giao thông của Việt Nam có thay đổi không, thưa ông?

Chiếm phần lớn trong viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam là vốn vay, trong đó hai ngành chủ lực là giao thông vận tải và điện lực. Các hoạt động viện trợ ODA đối với ngành giao thông được thực hiện nhiều. Hoạt động hỗ trợ vốn trong ngành giao thông đó đã góp phần tích cực cho việc vận tải hàng hoá trên toàn quốc. Qua việc hợp nhất này, độ ưu tiên với ngành giao thông không thay đổi.

Bên cạnh những dự án giao thông lớn được triển khai trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam, chúng tôi còn giúp cải tạo mạng lưới giao thông yếu ở các vùng xa thông qua vốn cho vay và viện trợ không hoàn lại.

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ triển khai một số công trình mới, trong đó phải kể đến dự án xây dựng đường sắt nội đô tại Hà Nội và Tp.HCM, xây dựng cầu Nhật Tân tại Hà Nội.

Đây là những công trình mới, kỹ thuật khó. Rút kinh nghiệm từ sự cố cầu Cần Thơ, trong qua trình xây dựng chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà thầu, bên tư vấn để có thể đảm bảo xây dựng công trình trên nguyên tắc an toàn là trên hết. Không chỉ thực hiện các biện pháp an toàn trong công trình xây dựng mà thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật để chuyển giao những biện pháp an toàn cho Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối với Jica mới, giao thông vận tải vẫn là ngành quan trọng nhất. Chúng tôi có hướng sẽ hợp tác hơn nữa trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn công trình.

Ông có nhận thấy sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án giao thông nhận vốn ODA tại Việt Nam không?

Về mặt tiến độ tôi cũng muốn nêu một sự thật là từ khi ký biên bản vay vốn cho đến khi triển khai được công trình, quá trình đấu thầu cũng như làm hợp đồng của một số dự án tương đối dài. Trong một số trường hợp, việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân của các công trình giao thông lớn cũng kéo dài.

Có thể ví dụ, chúng tôi đang thực hiện dự án cải tạo mạng lưới giao thông đường bộ Hà Nội và đại lộ Đông Tây. Hai dự án này cũng bị kéo dài tiến độ so với dự định nhiều do việc giải phóng mặt bằng và di chuyển công trình chôn trong lòng đất.

Để giải quyết vấn đề tiến độ với các công trình này, hiện nay mỗi tháng chúng tôi đều tiến hành những cuộc họp định kỳ giữa đại diện Jica và Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan để giải quyết vướng mắc.

Gần đây, chúng tôi được biết rằng Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia đối với các công trình giao thông trọng điểm do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban. Tôi nghĩ đó cũng là cơ chế tốt để giám sát những công trình giao thông lớn.