19:41 23/09/2024

Kết nối các tài năng Việt Nam với cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu

Hồng Nga

Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ lực, đồng thời hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo đó, việc đưa tài năng Việt Nam ra toàn cầu đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Nhà nước... 

Go global hay ra quốc tế, ra biển lớn là một mục tiêu lớn của Việt Nam
Go global hay ra quốc tế, ra biển lớn là một mục tiêu lớn của Việt Nam

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia (NSSC), Công ty CP Truyền thông Vietnam Startup TV và Web Summit đã tổ chức sự kiện khai mạc “Runway to Web Summit Hanoi” tập trung vào các nhà sáng lập khởi nghiệp tại Việt Nam. 

“Runway to Web Summit Hanoi” cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Đề án 844, thông qua Công ty CP Truyền thông Vietnam Startup TV thực hiện nhằm kết nối các quỹ đầu tư, nhà đầu tư với các startup tiêu biểu. Chủ nhiệm nhiệm vụ bà Khúc Hồng Nga cho biết tham gia hội nghị có hơn 10 quỹ/nhà đầu tư trong nước và quốc tế, hơn 40 startup công nghệ tiêu biểu.

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do NIC và Do Ventures công bố, các nhà đầu tư tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến startup Việt Nam dù trong bối cảnh mùa đông gọi vốn. Số lượng các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong năm qua chỉ giảm nhẹ. 

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng chủ lực, đồng thời hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo đó, việc đưa tài năng Việt Nam ra toàn cầu đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Nhà nước. 

GO GLOBAL LÀ MỤC TIÊU LỚN CỦA VIỆT NAM

“Go global hay ra quốc tế, ra biển lớn là một mục tiêu lớn của Việt Nam”, ông Phạm Hồng Quất nói và cho biết trong thập kỷ qua, các hoạt động như Techfest đã đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và kết nối các tài năng Việt Nam với cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu. 

“Nhờ những nỗ lực này, nhiều startup Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư và chinh phục thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ cho biết. Việt Nam hiện đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Từ Minh Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, được thành lập từ năm 2007, Trung tâm luôn tích cực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp với hai mục tiêu chính hiện tại là vươn ra toàn cầu và hợp tác cùng nhau (go global and go together). 

“Là một cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi luôn hỗ trợ và tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy cơ hội kết nối với các đối tác, đồng hành cùng startup, cung cấp sự hỗ trợ liên tục trong suốt hành trình, giúp họ phát triển và đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp”, ông Từ Minh Hiệu nói.

Liên quan đến Techfest, ông Từ Minh Hiệu cho biết Techfest được bắt đầu từ năm 2015. Năm nay, Techfest sẽ được tổ chức kỷ niệm 10 năm, diễn ra vào cuối tháng 11 tại Việt Nam. Đây là dịp để các startup thể hiện tiếng nói và nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, Techfest cũng được xây dựng như một nền tảng để kết nối mọi người. Theo ông Từ Minh Hiệu, Techfest còn được tổ chức tại các tỉnh và thành phố trên cả nước với “khoảng 20 đến 30 sự kiện Techfest hàng năm”..

Đặc biệt, Techfest đang được đưa ra các quốc gia khác với mục tiêu kết nối hệ sinh thái bằng cách đưa các startup ra quốc tế. “Hiện tại, chúng tôi đã triển khai Techfest ở Việt Nam, Hàn Quốc, Lào, và Úc, sử dụng hệ thống kết nối của họ”.

Theo ông Hiệu, Techfest không chỉ là tổ chức sự kiện, mà còn là sự thay đổi tư duy của các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức hỗ trợ ở cả cấp địa phương lẫn cấp quốc gia. “Việc thay đổi tư duy này rất quan trọng, đặc biệt là từ phía các bộ, ngành, để chúng ta có thể đi theo những phương thức tiên tiến hơn. Tất cả quá trình sẽ tạo ra một môi trường và cơ hội thuận lợi hơn cho các startup phát triển”, ông Hiệu nói và hy vọng trong tương lai gần, Web Summit sẽ trở thành sự kiện chính tại Việt Nam. 

Web Summit là hội nghị công nghệ thường niên được tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Ông Casey Lau, Trưởng phòng Châu Á Thái Bình Dương, đồng chủ trì Web Summit, cho biết Web Summit nhận được sự tham gia từ rất nhiều quốc gia. 

Theo ông Casey Lau, chủ đề của Web Summit luôn xoay quanh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. “Chúng tôi tập trung vào những lĩnh vực này. Chúng tôi có các hội nghị như Marketing Summit, Developer Summit, Growth, Creative, Corporate Innovation, và Government Summit. Tùy thuộc vào lĩnh vực bạn đang tham gia, bạn sẽ tìm thấy nhóm phù hợp với mình”, ông Casey Lau nói.

STARTUP KHÔNG CHỈ CẦN Ý TƯỞNG HAY, ĐỘI NGŨ TÀI NĂNG  

Tại sự kiện Runway to Web Summit Hanoi, ông Casey Lau cùng với ông Kendrick Nguyen, Tổng giám đốc điều hành Republic, cũng đã có cuộc trò chuyện về xu hướng đầu tư toàn cầu và cách các startup huy động vốn trong thị trường hiện nay. Republic là nền tảng đầu tư toàn cầu hàng đầu về tài chính cộng đồng, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến từ Hồng Kông, Trung Đông, và Hoa Kỳ…. 

“Tôi nghĩ rằng đối với nhà sáng lập startup muốn phát triển hiện nay, việc hiểu rõ cách thức huy động vốn đang thay đổi nhanh chóng là điều rất quan trọng. Việc huy động vốn thực sự nên đi xa để tìm ra những gì phù hợp nhất”, ông Kendrick Nguyen nói. Các diễn giả đã đề cập đến sự chuyển đổi từ vốn đầu tư mạo hiểm truyền thống sang các nền tảng như Republic, cho phép tiếp cận đầu tư rộng rãi hơn. 

Cuộc trò chuyện cũng xoay quanh các vấn đề liên quan đến sự phát triển và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, với trọng tâm là tạo ra môi trường thuận lợi và các ưu đãi cho các startup. Các diễn giả cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc hợp tác chéo, chia sẻ kiến thức và phát triển nhân tài, đặc biệt nhấn mạnh các sự kiện như Web Summit, nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối và cơ hội đầu tư. 

Ông Casey Lau (bên trái) cùng với ông Kendrick Nguyen trò chuyện về xu hướng đầu tư toàn cầu và cách các startup huy động vốn trong thị trường hiện nay
Ông Casey Lau (bên trái) cùng với ông Kendrick Nguyen trò chuyện về xu hướng đầu tư toàn cầu và cách các startup huy động vốn trong thị trường hiện nay

“Để gọi vốn thành công, startup cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư thông qua các sự kiện xã hội và hội nghị. Tại đây, một bài thuyết trình ấn tượng, ngắn gọn và dễ hiểu về mô hình kinh doanh sẽ giúp startup nổi bật giữa đám đông”, ông Kendrick Nguyen nói và cho rằng việc tập trung vào khả năng chi trả của dịch vụ, tiềm năng mở rộng, chiến lược đưa ra thị trường và kế hoạch thu hút khách hàng, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội để truyền tải thông điệp marketing rõ ràng, súc tích cũng là một yếu tố quan trọng.

Hơn thế nữa, các chính sách của chính phủ về năng lượng bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các startup trong lĩnh vực này. Các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích họ đầu tư vào các giải pháp năng lượng xanh.

“Startup không chỉ cần có một ý tưởng hay, một đội ngũ tài năng mà còn phải biết cách truyền đạt hiệu quả giá trị của mình đến các nhà đầu tư. Sự hỗ trợ từ phía chính phủ sẽ là một động lực lớn giúp các startup Việt Nam phát triển bền vững”, ông Kendrick Nguyen nhấn mạnh.