06:00 29/09/2021

Khi nền kinh tế được “bẻ ghi”

Nguyễn Quốc Uy

Phản ứng chính sách của Chính phủ chuyển từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19” chính là sự chuyển hướng quan trọng, phù hợp với thực tiễn.Theo sự chuyển hướng này, nền kinh tế được “bẻ ghi” để thích ứng với môi trường “sống chung với dịch bệnh”...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đại dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp “đột quỵ”, do không đủ sức chống chịu. Nhiều doanh nghiệp khác lại lâm vào tình trạng “đứt bữa”, khi các chuỗi sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ đôi khi bị “tuột xích” trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp đều mong sớm được phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong trạng thái “bình thường mới”.

Ngày 17/9/2021, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, nhấn mạnh điều đó có nghĩa là sẽ thoát khỏi điều họ mô tả là “quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai”.

Trước đó, tối 16/9/2021, lãnh đạo của 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất trong nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, điện tử, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ… cũng đã ký tên vào một kiến nghị gửi Chính phủ, đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” nhằm sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh phòng chống dịch mới (với hàm ý đề nghị không thực hiện các biện pháp “phong tỏa” đồng loạt trên diện rộng và kéo dài).

Kiến nghị của 14 hiệp hội ngành hàng cảnh báo chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy khi có khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Trong khi đó, nông dân, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm; nhiều lao động ở các địa phương không có việc làm, thiếu lương thực và tài chính dự phòng.

Các hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay cho Chỉ thị số 15 và 16, do dịch đã chuyển giai đoạn mới, và mục tiêu phòng chống dịch cũng thay đổi từ “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19”.

Khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp là một thực tế hiện hữu trong bối cảnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực thi một cách cứng nhắc và kéo dài, trong một không gian rộng lớn, nhất là ở hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khiến sản xuất, kinh doanh ở nhiều nơi bị đình trệ, ách tắc.

Sự sốt ruột của doanh nghiệp là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sốt ruột một thì Chính phủ sốt ruột mười.

Hơn ai hết, với trách nhiệm quản lý đất nước và điều hành toàn bộ nền kinh tế ở tầm vĩ mô, lại trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ như “ngồi trên đống lửa” trước thực trạng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn tính mạng của người dân, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, trong khi ngân sách nhà nước chi nhiều, thu ít…

Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã làm mọi cách có thể để đạt được yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Phản ứng chính sách của Chính phủ chuyển từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19” chính là sự chuyển hướng quan trọng, phù hợp với thực tiễn, thể hiện tư duy nhạy bén và tầm nhìn trong nỗ lực xử lý một vấn đề mang tính toàn cầu, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo sự chuyển hướng này, nền kinh tế được “bẻ ghi” để thích ứng với môi trường “sống chung với dịch bệnh”, với nỗ lực tối đa không để “trật bánh” mà trọng tâm vẫn là phòng chống dịch, đồng thời ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh an toàn trong môi trường còn dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” tổ chức sáng 20/9/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo “bàn kỹ cách thức làm sao để bảo đảm phục hồi sản xuất” mà “vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp” trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Nền kinh tế có thể buộc phải giảm tốc, khi nó được “bẻ ghi” để tương thích với môi trường có dịch. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 14/9/2021 dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ từ 3,5 đến 4%, tức là chỉ đạt già nửa chỉ tiêu tăng trưởng bình quân năm trong giai đoạn 2021-2025, nếu nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới” từ quý 4 năm nay.

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp vừa là trung tâm mà các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhắm tới, vừa là chủ thể đóng vai trò chủ động và tích cực tham gia phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng như áp dụng các biện pháp “phòng vệ” trước dịch bệnh để góp phần kiến tạo một nền kinh tế an toàn trong môi trường dịch bệnh, theo hướng “bẻ ghi” của người cầm lái.