15:42 13/11/2009

“Khiếu kiện đất đai nhiều chủ yếu do chính sách”

Từ Nguyên

Những khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ lớn là do chính sách trong lĩnh vực này vẫn còn phức tạp, thiếu đồng bộ

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển - Ảnh: Từ Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển - Ảnh: Từ Nguyên.
Nguyên nhân gây khiếu kiện về đất đai có tỷ lệ lớn là do chính sách quản lý đất đai vẫn còn phức tạp.

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, khi trao đổi với VnEconomy về thực trạng công tác quản lý đất đai cũng như nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, tố cáo của người dân đối với lĩnh vực được cho là khá nhạy cảm này.

Ông Hiển nói:

- Mục tiêu của ngành tài nguyên môi trường là từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, đăng ký đất đai, phấn đấu đến năm 2015 sẽ triển khai được công tác đăng ký nhà, đất qua mạng, tiến tới áp dụng số hóa trong công tác quản lý đất đai trên phạm vi toàn quốc.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai dự án hiện đại hóa công tác quản lý đất đai tại một số địa phương ở cả 3 miền. Dự án đã tiến hành được 1 năm và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện Nghị quyết 07 của Quốc hội trong việc cấp giấy chứng nhận cho người dân. Đồng thời sẽ tạo điều kiện đưa toàn bộ hồ sơ địa chính vào quản lý thông qua hệ thống công nghệ mới trong việc thực hiện công tác quản lý dịch vụ đối với người dân khi tham gia các dịch vụ về đất đai.

Mục tiêu của ngành tài nguyên là hiện đại hóa quản lý đất đai, trong đó có việc cấp lại giấy tờ nhà đất cho người dân. Nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương có tới 80% số hộ dân thuộc diện phải cấp đổi lại nhưng hiện họ đang cầm cố giấy tờ nhà đất ở ngân hàng. Vậy, ngành tài nguyên sẽ xử lý tình huống này như thế nào?

Theo tôi thì việc này cũng không có vấn đề gì lớn cả. Khi cấp đổi lại giấy tờ cho người dân vẫn phải trong điều kiện nhất định. Khi người dân để giấy tờ ở ngân hàng thì cần phải xem lại tính pháp lý trên cơ sở xem xét từng trường hợp thì mới giải quyết được.

Bởi khi đã đưa giấy tờ nhà đất cho trong ngân hàng thì tài sản đó trong thời điểm đó thuộc quyền sở hữu của ngân hàng trong thời điểm đó. Nếu việc này ảnh hưởng đến việc cấp lại thì chắc chắn chúng tôi phải giải quyết vướng mắc này đã.

Chúng tôi phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào có thể thì sẽ cấp đổi lại ngay cho người dân, trường hợp nào cần xem xét thì các cơ quan địa phương sẽ có những biện pháp, thỏa thuận với ngân hàng theo hướng đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.

Vì dân, phải làm

Nhưng được biết, hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân tại một số địa phương mà dự án đang thí điểm cũng không mấy “mặn mà” với việc hiện đại hóa quản lý đất đai của Bộ?

Việc này có thể do người dân chưa hiểu rõ được lợi ích của dự án. Theo tôi, dự án muốn thành công được phải nâng cao nhận thức của người dân. Trước đây mình chỉ đơn thuần  tính đến một chuyện, đi đến một đích là làm sao để cho ra được một giấy chứng nhận.

Còn việc hồ sơ kèm theo là cái gì, tài liệu, bản đồ… để số hóa nó trên cơ sở ứng dụng vào trong tin học và quản lý đất đai thế nào thì chúng ta chưa có điều kiện tính tới. Việc cấp giấy chứng nhận chỉ là một trong các nội dung, điều quan trọng nhất là bộ hồ sơ hoàn chỉnh và ứng dụng công nghệ để giao dịch người dân thuận lợi hơn.

Trước đây người dân phải đến sở tài nguyên môi trường hoặc phòng đăng ký để tìm hiểu thông tin thì sau này chỉ cần có một chíếc máy tính là có đủ thông tin. Truy cập sẽ có đầy đủ thông tin về thửa đất của họ.

Còn nếu nói cán bộ không ủng hộ, theo tôi cũng chỉ là số ít thôi. Đội ngũ cán bộ phải hiểu được rằng, dự án này trước hết là phục vụ cho công tác quản lý và cho chính bản thân người dân. Nhà nước có thể khó khăn hơn nhưng vì dân vẫn phải làm. Khi đưa công nghệ mới vào đòi hỏi năng lực cán bộ của người dân phải nâng lên. Người nào không đáp ứng được phải đào tạo bồi dưỡng. Nếu thiếu phải bổ sung thêm người.

Nhưng có ý kiến cho rằng, bên cạnh ý thức thì cả cán bộ và người dân đều hiểu rõ: dự án này có thể ảnh hưởng một phần đến lợi ích của họ nên mới phản đối?

Cái đó là phải chấp nhận, thực tế thế nào thì phản ánh như thế. Quá trình triển khai có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện trong dân nên trong dự án đã bố trí bộ phận giải quyết các tranh chấp. Nếu hồ sơ làm trước đây chưa đầy đủ, bây giờ làm lại thì thực tế thế nào phải chấp nhận như thế.

Nguyên nhân cơ bản

Việc có nhiều khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai có liên quan gì đến công tác quản lý đất đai tại các địa phương, thưa ông?

Theo tôi, để xảy ra khiếu kiện, tố cáo nhiều về đất đai có 5 nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất, do hệ thống pháp luật cả nước chưa đồng bộ. Thứ hai là triển khai thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Thứ ba là năng lực đội ngũ cán bộ. Thứ tư là hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế và một phần là do năng lực, do phẩm chất cán bộ.

Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do chính sách đất đai của ta còn phức tạp, rườm rà.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, khiếu kiện về đất đai trong thời gian qua cũng đã giảm đi nhiều. Thời gian trước đây, mỗi năm trung bình lên tới 10.000 đơn khiếu kiện, nhưng năm nay chỉ còn 7.000.

Phải thừa nhận rằng, trước đây khi xử lý khiếu kiện, tranh chấp đất đai, chúng ta dùng biện pháp hơi nặng, duy ý chí. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, chính sách của mình đã dần được hoàn thiện hơn, chính sách, cán bộ cũng đã vì dân hơn, bởi chỉ đơn giản nếu bồi thường giải phóng mặt bằng không tốt thì người dân cũng không chuyển đi.