Khoanh vùng quyền truy cập dữ liệu của Kiểm toán nhà nước
Dự thảo Luật Kiểm toán sửa đổi mới nhất chỉ cho phép Kiểm toán nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán
Dự thảo Luật Kiểm toán sửa đổi mới nhất chỉ cho phép Kiểm toán nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thông tin trên tại phiên họp sáng 13/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước
Chỉ trưởng đoàn được truy cập
Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia là điểm mới của lần sửa đổi này.
Chủ nhiệm Hải cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ 7, có ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán. Ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm và phân quyền truy cập phù hợp. Có đại biểu đề nghị không giao quyền truy cập cho Kiểm toán nhà nước vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước.
Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, việc bổ sung quyền truy cập cho Kiểm toán nhà nước là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị đại biểu đã nêu, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước,… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, dự thảo luật mới nhất, sau khi tiếp thu, đã quy định rõ chỉ cho phép Kiểm toán nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán.
Chỉ trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập theo quy định của pháp luật).
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.
Có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm toán thì ...chịu
Vấn đề khác cũng được quan tâm thảo luận là quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Thường trực Ủy ban thẩm tra cho rằng, dự thảo luật quy định khái niệm "cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán" chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán.
Vì vậy, cần làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Việc quy định rõ "có dấu hiệu vi phạm" là cần thiết và có thể thực hiện được khi kiểm toán viên kiểm tra, xem xét hồ sơ, tài liệu tại đơn vị được kiểm toán, Thường trực cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng quy định có dấu hiệu vi phạm mới được vào thì kiểm toán chưa được tiếp cận thì lấy đâu ra dấu hiệu vi phạm. Hơn nữa nếu đã có dấu hiệu này thì phải chuyển cơ quan điều tra.
Ông Phớc đề nghị giải thích lại, theo hướng "cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán" là những đơn vị đang sử dụng tài chính công tài sản công có liên quan trực tiếp đến đơn vị đang kiểm toán.
Ví dụ tôi kiểm toán đơn vị A thấy có dòng tiền chuyển sang chỗ B, chỗ C thì kiểm toán có quyền kiểm tra đơn vị B, C xem có đúng không, ông Phớc giải thích.
Giải thích của Tổng kiểm toán, theo nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chấp nhận được.
Quy định phải "có dấu hiệu vi phạm" là quá bó, qua kiểm toán đối tượng chính thấy có liên quan trực tiếp thì có quyền kiểm tra đơn vị liên quan chứ biết rõ có dấu hiệu vi phạm mới được vào thì ... chịu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Dự thảo luật không mở rộng đối tượng kiểm toán mà chỉ giải thích đối tượng liên quan là đối tượng thế nào, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc thêm một lần khẳng định.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không mở rộng đối tượng kiểm toán.
Tuy nhiên, sẽ bổ sung khái niệm để làm rõ như thế nào là các hoạt động có liên quan đến hoạt động sử dụng tài chính công tài sản công của đơn vị được kiểm toán, đồng thời quy định rõ nếu tiến hành kiểm toán đơn vị có liên quan thì phải báo cáo để bổ sung vào kế hoạch kiểm toán.