15:14 31/10/2013

“Không đổi mới thể chế, khó tạo dựng niềm tin”

Nguyễn Lê

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, trong hai năm tới, vấn đề lớn nhất là tạo ổn định vĩ mô, tạo niềm tin

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đại biểu Trần Du Lịch.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đại biểu Trần Du Lịch.
“Kỳ họp này, nếu đổi mới thể chế không kiên quyết thì không tạo được niềm tin để phát triển trong giai đoạn sắp tới”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận sáng 31/10 của Quốc hội.

Thủ tướng cắm cúi ghi chép ngay từ phát biểu đầu tiên, hội trường không có ghế trống như nhiều phiên thảo luận về nội dung khác.

Trên 20 vị đại biểu đã đăng đàn chủ yếu là trưởng, phó các đoàn đại biểu Quốc hội mà tên tuổi đã khá quen thuộc với cử tri. Vẫn 7 phút dành cho một lần phát biểu, và nợ xấu, vàng, lạm phát không còn nóng bỏng như nhiều kỳ trước, nhưng nỗi lo về nền kinh tế vẫn còn nguyên, thậm chí tăng lên.

Dù đa số đều cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ là mặc dù còn nhiều khó khăn, kinh tế bước đầu có sự chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu từng bước được cải thiện, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Quyết tâm cao trong chuyển chính sách, từ tập trung tăng trưởng cao sang ổn định kinh tế vĩ mô trong phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 2011-2013 là sự lựa chọn đúng đắn, đáng ghi nhận, giúp kinh tế vĩ mô ổn định: giảm lạm phát xuống một con số; ổn định cán cân thanh toán; thị trường tài chính ổn định hơn, mặt bằng lãi suất giảm, dịch vụ phát triển khá, tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu đạt kết quả; an sinh xã hội được bảo đảm, chính trị, an ninh xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì báo cáo của Chính phủ còn “hồng” hơn thực tế, nhấn mạnh mặt tích cực, đánh giá những thành tựu là chính mà chưa nhận định đúng thực trạng tình hình.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận thì nói, báo cáo của Chính phủ không tô hồng cũng không bôi đen.

“Chúng ta đi máy bay thấy bức tranh đất nước hết sức đẹp. Sang Myanmar thấy còn cách Việt Nam 30 năm về trước. Ở đây không tô hồng mà là thực tế”, ông Việt nói.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng khiến hội trường đỡ trầm lắng khi nêu một ví dụ để nói về vấn đề nhiều đại biểu đã quan tâm.

“Dân nói ngày xưa các cán bộ phải chui vào nhà dân để lấy tiếp tế, lấy thông tin đánh địch, giờ nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng dân gọi không nghe. Một bộ phận không nhỏ cán bộ bây giờ gọi bảo số lạ không bao giờ nghe”.

Cũng theo ông Thuyền, dân rất băn khoăn, nhiều cái kêu hàng chục năm chả ai giải quyết, dù bộ máy chính quyền chạy rầm rầm. “Xưa ta dựa vào dân để đánh giặc, thì giặc cũng có thể dựa vào dân để đánh ta, nên ai nắm được dân thì người đó thắng. Chính quyền phải chống tham nhũng, quan liệu, chính quyền vì dân thì dân không ai chống lại mình”, ông Thuyền phát biểu.

Hiệu quả quản lý điều hành, kỷ luật kỷ cương không nghiêm đang làm xói mòn niềm tin của dân và doanh nghiệp cũng là nỗi lo lắng của không ít vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên thì nhiều yếu kém trong kỷ luật kỷ cương ở nhiều báo cáo của Chính phủ được nhắc đi nhắc lại niều năm song chưa khắc phục được làm giảm sút niềm tin của dân.

Bên cạnh giải pháp cho các vấn đề cụ thể, yêu cầu đổi mới thể chế cũng được một số vị đại biểu nhấn mạnh.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, trong hai năm tới, vấn đề lớn nhất không phải là tăng trưởng mấy phần trăm mà là tạo ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để đất nước có thể phát triển trong giai đoạn sắp tới.

“Niềm tin này không chỉ tùy thuộc vào điều hành của Chính phủ mà còn vào quyết sách của Quốc hội, với những vấn đề trọng đại, nếu kỳ họp này đổi mới thể chế không kiên quyết thì không tạo được niềm tin”, ông Lịch nhấn mạnh.

Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nêu quan điểm, triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự đột phá về thể chế kinh tế.

Theo ông, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn lần cuối cùng về những nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 và sẽ xem xét một số dự án luật có tác động trực tiếp đến tái cơ cấu kinh tế. Và việc thay đổi thể chế kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các nội dung này.

"Vậy phải chăng đây là những vấn đề cần có câu trả lời thỏa đáng tại kỳ họp này để từ kỳ sau Quốc hội không còn phải trở đi trở lại những vấn đề biết rồi nhưng vẫn phải nói", ông Đồng phát biểu.

Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, màn hình vẫn hiển thị danh tính  57 vị đại biểu đăng ký phát biểu, trong đó có nhiều đoàn có hai, ba đại biểu muốn đăng đàn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, buổi chiều có thể mời các thành viên Chính phủ tham gia phát biểu về những nội dung nhiều đại biểu quan tâm.