20:35 17/09/2012

Không được liên kết xuất bản hồi ký

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)

Tại kỳ họp cuối năm 2012 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) - Ảnh minh họa.
Tại kỳ họp cuối năm 2012 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) - Ảnh minh họa.
Đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng.

Đây là một trong những quy định mới tại dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 17/9.

Đã thảo luận tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, dự thảo luật mới nhất được đánh giá là đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu.

Ở nội dung liên kết xuất bản, dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật viết rằng, theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình.

Dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định về điều kiện, đối tượng, hình thức thực hiện liên kết, trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản, trách nhiệm của đối tác liên kết trong liên kết xuất bản, quy định đối tác liên kết có thể được thực hiện khâu biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ các điều kiện và năng lực biên tập; trong trường hợp này nhà xuất bản chịu trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo, thẩm định nội dung văn hoá, tư tưởng và quyết định xuất bản.

Đồng thời, đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo để bảo đảm về nội dung chính trị, tư tưởng, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Liên quan đến xuất bản điện tử, trước nhiều ý kiến còn quan ngại về sự phát triển khó dự báo của hình thái này, đại diện cả Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật đều nhấn mạnh rằng dự thảo luật đã xây dựng một chương riêng về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Tuy nhiên, xuất bản điện tử chịu sự điều chỉnh của tất cả các điều khoản trong luật chứ không riêng chương này.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, xuất bản điện tử là vấn đề mới và lớn, các quy định tại dự thảo luật đã đưa ra chế tài chặt chẽ hơn với hoạt động này.

Tại kỳ họp cuối năm 2012 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).