15:37 04/03/2010

Khủng hoảng nợ tại châu Âu: Đâu là “chiến trường” kế tiếp?

Mai Phương

Một khi rời Hy Lạp, khủng hoảng nợ sẽ gõ cửa quốc gia tiếp theo nào trong số các nước “chúa chổm” ở châu Âu?

Người hưu trí biểu tình phản đối kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Hy Lạp trên đường phố Athens hôm 3/3 - Ảnh: AP.
Người hưu trí biểu tình phản đối kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Hy Lạp trên đường phố Athens hôm 3/3 - Ảnh: AP.
Sau khi Hy Lạp cam kết sẽ cắt giảm thêm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này, giới đầu tư toàn cầu bắt đầu tạm yên tâm về cuộc khủng hoảng ở đây. Tuy nhiên, một câu hỏi mới nổi lên: một khi rời Hy Lạp, khủng hoảng nợ sẽ gõ cửa quốc gia tiếp theo nào trong số các nước “chúa chổm” ở châu Âu?

Ngày 3/3, Athens đã trấn an cả thế giới khi công bố kế hoạch tăng thuế và giảm chi tiêu thêm 6,5 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại. Với kế hoạch này, Chính phủ Hy Lạp hy vọng, họ sẽ huy động được vốn bằng con đường phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, hoặc được Liên minh châu Âu (EU) ra tay giải cứu. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đặt ra kịch bản trong trường hợp xấu nhất, nước này sẽ tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Coi như tạm thời yên tâm về tình hình Hy Lạp, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng nợ công có thể tiếp tục bùng nổ ở một quốc gia khác ở châu Âu, tạo ra những cú sốc đối với đồng tiền chung của khu vực - đồng Euro.

Tờ New York Times cho hay, một số ngân hàng và quỹ đầu cơ đã hướng sự chú ý tới các quốc gia nặng nợ khác ở châu Âu, đặc biệt là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, và Ireland. Theo giới chuyên môn, khủng hoảng lan rộng trong khối các nước sử dụng đồng Euro có thể là một miếng mồi ngon cho các ngân hàng, quỹ đầu cơ và định chế tài chính khác một khi họ sử dụng ngón đòn bán khống.

Bằng cách vay và ồ ạt bán khống đồng Euro, các đối tượng này làm cho tỷ giá Euro lao dốc mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cuối cùng, họ thực hiện việc mua vào Euro với giá rẻ để trả lại, bỏ túi những khoản lãi khổng lồ. Ở thời điểm hiện nay, các quỹ này vẫn đang đặt cược vào sự mất giá của đồng Euro và cả đồng Bảng Anh.

Sự lo ngại về tình hình ở châu Âu đã được phản ánh rõ nét trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), nơi giá trị các hợp đồng kỳ hạn đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 60 tỷ Euro trong tháng 2 vừa qua, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Theo giới chuyên môn, dữ liệu của CME cho thấy, trong suốt một thập kỷ qua, chưa khi nào giới đầu cơ lại đặt cược lớn tới vậy vào sự mất giá của đồng Euro.

Vai trò của các quỹ đầu cơ đang trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Mỹ và châu Âu. Trên thực tế, từ khi nổi lên vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp vào cuối năm ngoái, đồng Euro đã liên tục trượt giá so với USD, khiến các cơ quan chức năng của Mỹ và EU lo ngại có bàn tay của các quỹ đầu cơ lớn phía sau sự mất giá này.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu bốn quỹ đầu nổi tiếng là Greenlight Capital, SAC Capitol Advisors, Paulson & Company và Soros Fund Management giao nộp sổ sách của các vụ giao dịch và các tài liệu khác.

Quỹ Soros Fund Management, quỹ của tỷ phú đầu cơ lừng danh George Soros, đã lên tiếng phủ nhận việc họ có bất kỳ hành vi sai trái nào. “Lúc nào thị trường tiền tệ có vấn đề thì dư luận chẳng để ý đến George Soros”, một phát ngôn viên của quỹ này nói. Trong khi đó, các quỹ khác đều từ chối đưa ra bình luận.

Ông Kenneth J. Heinz, một chuyên gia thuộc thuộc Tổ chức Nghiên cứu quỹ đầu cơ của Mỹ, cho hay, các quỹ đầu cơ lớn hiện đang đánh giá phản ứng của các nước châu Âu khác trong việc EU giải cứu Hy Lạp, trước khi họ đánh giá điểm yếu và cơ hội của các nước có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ tiếp theo.

“Nếu những rắc rối ở Hy Lạp không được giải quyết ngay, có khả năng thị trường sẽ tập trung vào những mắt xích yếu nhất tiếp theo trong dây chuyền”, ông Jim Caron, chiến lược gia hàng đầu về lãi suất thuộc Morgan Stanley, nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, sau Hy Lạp, quốc gia có khả năng “lâm nạn” cao nhất là Tây Ban Nha, đất nước đang chìm sâu trong suy thoái. Với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, thâm hụt ngân sách trên 10% GDP, và nền kinh tế có thể suy giảm 0,4% trong năm 2010, Madrid sẽ dễ dàng bị đẩy vào chân tường nếu các nhà đầu tư lạnh nhạt trước những đợt phát hành trái phiếu trị giá 85 tỷ Euro của nước này trong năm nay.

Quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha là Bồ Đào Nha cũng là một mắt xích dễ đứt. Với thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại cùng cao, cộng với tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp, Bồ Đào Nha đã đặt số phận của họ vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng như ở Hy Lạp, ý chí chính trị đối với việc cắt giảm chi tiêu công hay tăng thuế ở Bồ Đào Nha là rất thấp.

Italy bị xem là một “chúa chổm” nữa ở châu Âu, với khoản nợ trên 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nước này được đánh giá cao hơn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì nền kinh tế được dự báo tăng trưởng 0,9% trong năm nay và 1% trong năm tới. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách của Italy cũng không quá cao, và được dự báo vào khoảng 5,4% trong năm nay.

Trong số bốn nước châu Âu bị các quỹ đầu cơ đặt vào tầm ngắm, thì Ireland được xem là nước “khỏe” nhất. Với những biện pháp thắt chặt chi tiêu và tăng thuế ngặt nghèo, Chính phủ Ireland đã huy động được 19 tỷ Euro trong năm nay từ thị trường trái phiếu.

Dù điều gì có xảy ra với Athens, thì cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng đe dọa đảo lộn trật tự tài chính, chính trị và quyền lực ở châu lục này. Với việc Đức và Pháp nổi lên thành những quốc gia có khả năng giải cứu cao nhất, thì các nhà lãnh đạo ở Berlin và Paris rốt cục có thể sẽ là những người quyết định chính sách tài khóa cho Bồ Đào Nha, Ireland, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Hiện Đức và Pháp đang là hai quốc gia hậu thuẫn hàng đầu trong kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Tuy nhiên, hai nước này cũng đang phải đương đầu với nhiều khó khăn về tăng trưởng và ngân sách. Thâm hụt ngân sách của Đức và Pháp lần lượt ở mức 6,3% và 7,5% GDP. Ngoài ra, các cử tri của các hai quốc gia này đều không hào hứng gì với việc chính phủ của họ cứu láng giềng.