15:52 05/08/2011

Kiến nghị chưa áp thuế đối với cao su xuất khẩu

Y Nhung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa chính thức có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chưa áp thuế đối với cao su xuất khẩu

Hiện nay, mủ cao su sơ chế của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu vẫn là để xuất khẩu.
Hiện nay, mủ cao su sơ chế của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu vẫn là để xuất khẩu.
Trong năm 2011, Bộ Tài chính chưa nên áp thuế đối với cao su xuất khẩu. Sang năm 2012, mức thuế cũng chỉ nên áp ở mức 3% đối với một số mặt hàng.

Đó là quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trước dự thảo của Bộ Tài chính sẽ tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng cao su trong biểu thuế xuất khẩu từ 3% lên 5%.

Trong công văn số  2215/BNN- CB do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ký gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, tại quyết định số 750/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định chỉ tiêu phát triển đến năm 2015 là diện tích cao su phải đạt 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,1 triệu tấn. Theo đó sẽ có nhiều chính sách kèm theo để đẩy mạnh phát triển ngành cao su, trong đó có chính sách không thu thuế xuất khẩu.

Hiện nay, mủ cao su sơ chế của Việt Nam sản xuất ra chủ yếu vẫn là để xuất khẩu. Các nhà máy chế biến cao su trong nước mới chỉ tiêu thụ khoảng 18% sản lượng của cả nước.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ Tài chính không thu thuế đối với xuất khẩu đối với các mặt hàng cao su thiên nhiên mã HS 4001 có giấy chứng nhận kiểm phẩm từ các phòng kiểm phẩm đạt cấp quốc gia, vì đây là mặt hàng khuyến khích xuất khẩu.

Tương tự đối với cao su tổng hợp mã HS 4002, các mặt hàng này Việt Nam chưa sản xuất được chỉ tạm nhập, tái xuất không nên đánh thuế.

Từ năm 2012, Bộ Tài chính có thể áp thuế 3% đối với các mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu để hỗ trợ quản lý chất lượng cao su xuất khẩu, xây dựng uy tín, thương hiệu cao su Việt Nam.

Mức thuế này nên áp dụng đối với cao su thiên nhiên mã HS 4001 không có giấy chứng nhận kiểm phẩm từ các phòng kiểm phẩm đạt cấp quốc gia. Trên thực tế các mặt hàng mủ cao su đã xuất khẩu nhưng không kiểm phẩm thường có chất lượng không đạt đúng phẩm cấp gây mất uy tín cho thương  hiệu cao su Việt Nam.

Cao su hỗn hợp HS 4005 cũng nên áp thuế 3% vì các mặt hàng này thực chất chỉ phối trộn thêm một ít cao su tổng hợp theo yêu cầu của khách hàng nhằm hưởng mức thuế ưu đãi ở nước nhập khẩu và Việt Nam chưa xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng này.

7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 349.000 tấn cao su và thu về  gần 1,5 tỷ USD. Lượng xuất khẩu cao su đã tăng 6,6% và giá trị tăng gần 69% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân trong 6 tháng là 4.368 USD/tấn.

Trong năm nay, sản lượng cao su của Việt Nam được dự báo sẽ tăng khoảng 4% và được bổ sung thêm từ nguồn cao su tạm nhập tái suất nên cả năm Việt Nam có thể xuất khẩu gần 800.000 tấn, trị giá được ước tính là khoảng 3 tỷ USD.

Đại diện cho Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Tổng thư ký Trần Thị Thúy Hoa cũng cho rằng dự thảo áp dụng thuế xuất khẩu đối với cao su thuộc nhóm 4001 và 4002 sẽ tăng từ 3% hiện nay lên 5% của Bộ Tài chính cần được xem xét lại do đây là một trong những nông sản đang được khuyến khích xuất khẩu. Thêm vào đó, nếu giai đoạn hiện nay áp dụng mức thuế này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì nhiều đơn vị đã  ký hợp đồng dài hạn.