"Kiến trúc là bộ mặt đất nước, không phải cứ có tiền thì kỳ quặc tuỳ thích"
Vì sao chúng ta đầu tư nhiều tiền thế mà kiến trúc của chúng ta tụt hậu, không bản sắc, vì sao ta hướng ngoại mạnh thế?
Đó là quan điểm của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi thảo luận về dự án Luật Kiến trúc trong phiên họp sáng 11/8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Việc xây dựng Luật Kiến trúc, theo Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Tờ trình dự án luật của Chính phủ cũng khẳng định sự cần thiết này và nêu rõ mục đích: "tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc. Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội".
Gồm 4 chương với 37 điều, dự thảo luật đã cụ thể hoá các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc. Chính phủ cho biết dự thảo luật cũng không đề xuất phát sinh về tổ chức, nhân sự.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhận định về cơ bản, dự thảo luật có tính khả thi.
Với một số nội dung cụ thể, liên quan đến quy định hành nghề kiến trúc tại Việt Nam của người nước ngoài, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu pháp luật, kinh nghiệm quốc tế có liên quan (như mức độ cam kết đối với WTO về hoạt động của doanh nghiệp FDI về dịch vụ kiến trúc, cung cấp dịch vụ kiến trúc qua biên giới, tại địa bàn nhạy cảm…) để quy định chặt chẽ hơn điều kiện, phạm vi hành nghề của tổ chức, của kiến trúc sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
Bày tỏ hy vọng luật sẽ mở ra một môi trường hành nghề tốt hơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Vạn nói: gần 60 năm hành nghề kiến trúc sư, tôi xin tâm sự thế này: vì sao chúng ta đầu tư nhiều tiền thế mà kiến trúc của chúng ta tụt hậu, không bản sắc, vì sao ta hướng ngoại mạnh thế, vì sao ta có nhiều kiến trúc sư được giải quốc tế mà không đủ sức "Việt Nam hoá kiến trúc thế giới?. Có một nguyên nhân là thiếu luật về kiến trúc".
Đều đồng tình với sự cần thiết ban hành luật song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn không ít băn khoăn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét phạm vi điều chỉnh của luật khoanh chủ yếu vào hành nghề kiến trúc. Trong khi bản sắc kiến trúc Việt Nam là vấn đề rất lớn. Nghị quyết Đại hội 9 đã có yêu cầu, nhưng đến nay qua 3 kỳ Đại hội chúng ta vẫn chưa xác định được bản sắc kiến trúc như thế nào? Đô thị khác nông thôn thế nào? Đang rất lộn xộn, cũng không phù hợp với khí hậu Việt Nam. Tất tật cứ kính cả. Lào chẳng có luật kiến trúc, nhưng người ta nhận thấy bản sắc ngay, ông Phúc nói.
Vấn đề nữa ông Phúc nhấn mạnh là "chế tài thế nào? Không thể để chủ đầu tư thích làm gì thì làm. Kiến trúc là bộ mặt của đô thị, đất nước, không phải có tiền thì cứ kỳ quặc tuỳ thích, con gà cho lên mái nhà".
Kiến trúc của ta đặc thù là gì? Đúng là băn khoăn về bản sắc. Ta tự hào có nhiều chùa, nhưng những chùa lớn nhất có phong cách Việt Nam không? Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt vấn đề.
Ông Bình bày tỏ ủng hộ cần có hội đồng kiến trúc quốc gia, nhưng không phải do Thủ tướng thành lập khi cần thiết mà phải có thường xuyên và có vai trò của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.