Kinh tế toàn cầu ra sao nếu giá dầu lên 100 USD/thùng?
“Giá dầu sẽ phải tăng cao hơn nhiều mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu trượt ngã”
Việc giá dầu thế giới liên tục tăng thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà dự báo cho rằng giá "vàng đen" sẽ sớm tái lập mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Theo hãng tin Bloomberg, trong trường hợp đó, sẽ có cả những quốc gia hưởng lợi và những nước chịu thiệt hại.
Các nước xuất khẩu dầu lửa sẽ thu được nhiều tiền hơn, củng cố tình hình ngân sách cho các công ty và chính phủ. Ngược lại, các nước tiêu thụ dầu sẽ chứng kiến giá xăng dầu tăng, đặt ra nguy cơ thổi bùng lạm phát và làm suy giảm nhu cầu trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Bloomberg cho rằng mức giá dầu 100 USD/thùng ở thời điểm hiện nay sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu nhiều như hồi năm 2011. Một phần là do các nền kinh tế trên thế giới đã giảm bớt được sự phụ thuộc vào năng lượng và cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã giúp nước này tự chủ tốt hơn nguồn cung dầu.
Hơn nữa, mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào lý do vì sao giá dầu tăng cao hơn. Một cú sốc giá dầu do nguồn cung thắt chặt sẽ có nhiều tác động tiêu cực, nhưng nếu giá dầu tăng do nhu cầu cao, thì điều đó chỉ đơn thuần phản ánh sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu thế giới đang tăng vì cả hai lý do trên, với giá dầu Brent đã tăng 22% từ đầu năm.
Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời mà Bloomberg đưa ra về việc giá dầu hướng về mốc 100 USD/thùng:
1. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tăng trưởng toàn cầu?
Giá dầu cao hơn sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình, nhưng mức độ ảnh hưởng ở từng quốc gia sẽ khác nhau. Châu Âu là một khu vực dễ tổn thương, bởi nhiều nước ở khu vực này là các quốc gia nhập khẩu ròng dầu. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và lạm phát ở nước này nhiều khả năng sẽ tăng.
Ngoài ra, các yếu tố mùa vụ cũng là điều cần phải tính đến, chẳng hạn mùa đông đang đến gần ở khu vực bán cầu Bắc. Người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế để tiết giảm chi phí, như nhiên liệu sinh học hay khí tự nhiên, dù điều này không thể thực hiện chóng vánh. Indonesia hiện đã triển khai các biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế như nhiên liệu sinh học, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để tác động lâu dài đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá dầu cần duy trì trên mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, điều này có thể khó xảy ra, vì xu hướng tăng giá của đồng USD gây áp lực giảm giá đối với dầu.
2. Nền kinh tế thế giới có thể hấp thụ mức giá 100 USD/thùng dầu như thế nào?
Bloomberg Economics cho rằng mức giá 100 USD/thùng dầu gây nhiều thiệt hại hơn là mang đến lợi ích cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều kiện của nền kinh tế thế giới hiện nay có nhiều điểm khác biệt quan trọng so với ở thời điểm năm 2011.
"Cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến, cường độ năng lượng giảm, và mức giá cả nói chung tăng lên đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của việc giá dầu tăng cao hơn sẽ giảm xuống so với trước kia", các chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định trong một báo cáo mới đây. "Giá dầu sẽ phải tăng cao hơn nhiều mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu trượt ngã".
3. Iran và ông Trump sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường dầu?
Các vấn đề địa chính trị tiếp tục là nhân tố khó lường trên thị trường dầu thế giới. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã và chuẩn bị áp đặt trở lại đối với Iran đang siết dần hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép đòi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khai thác thêm dầu, công suất dự trữ của khối này chỉ ở mức hạn chế. Ngoài ra, nguồn cung dầu từ các nước như Venezuela, Libya và Nigeria đang sụt giảm do khủng hoảng kinh tế hoặc nội chiến.
Mặc dù vậy, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá dầu sẽ không vợt quá mốc 100 USD/thùng.
4. Những nước nào hưởng lợi từ giá dầu cao?
Hầu hết các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đều là các nền kinh tế mới nổi. Đối với Saudi Arabia, ngành dầu lửa đóng góp khoảng 21% tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016, một tỷ lệ cao gấp đôi so với Nga.
Những quốc gia khác được hưởng lợi nhiều từ giá dầu tăng lên bao gồm Nigeria và Colombia. Nguồn thu từ dầu lửa tăng sẽ giúp các nước này cải thiện ngân sách và giảm thâm hụt cán cân vãng lai, cho phép chính phủ tăng chi tiêu và thông qua đó thúc đẩy đầu tư.
5. Những nền kinh tế nào sẽ thiệt hại vì giá dầu cao?
Ấn Độ, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Ukraine là vài trong số những quốc gia sẽ gặp bất lợi khi giá dầu lên cao hơn. Việc phải chi nhiều tiền hơn cho nhập khẩu dầu sẽ gây áp lực lên cán cân vãng lai và khiến các nền kinh tế này càng dễ tổn thương trước việc Mỹ nâng lãi suất.
6. Kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Giá dầu tăng hiện nay không còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ như trước kia, và đó là nhờ sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đây, giới chuyên gia mặc định rằng giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng và duy trì sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 0,3% trong năm tiếp sau đó. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học - bao gồm chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytic - giờ đây cho rằng mức suy giảm chỉ vào khoảng 0,1%.
Mặc dù vậy, các hộ gia đình nghèo hơn ở Mỹ sẽ cảm nhận tác động rõ rệt hơn về sự gia tăng của giá bán lẻ xăng dầu. Người nghèo ở Mỹ chi 8% thu nhập trước thuế để mua xăng, so với mức chỉ 1% ở nhóm 20% giàu nhất.
7. Giá dầu cao hơn có dẫn tới lạm phát tăng trên toàn cầu?
Giá năng lượng thường ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng. Bởi vậy, khi giá dầu tăng, các ngân hàng trung ương bao gồm FED sẽ phải tập trung nhiều hơn vào các chỉ số lạm phát lõi không bao gồm giá năng lượng vốn có mức độ biến động cao.
Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh và duy trì có thể gây áp lực lạm phát lớn nếu sự tăng giá này thẩm thấu sang các lĩnh vực khác như giao thông và các dịch vụ tiện ích.
8. Giá dầu tăng có ý nghĩa như thế nào với các ngân hàng trung ương?
Nếu giá dầu tăng kéo theo lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương sẽ có thêm một lý do nữa để rút khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong số những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ giá dầu tăng, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã lên tiếng cảnh báo về tác động từ việc hóa đơn nhập khẩu dầu - mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này - ngày càng "khủng".
Áp lực giá cả gi tăng cũng có thể đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở những nền kinh tế như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Nam Phi.