09:01 26/07/2007

Kinh tế Triều Tiên có dấu hiệu mở cửa

Trung Việt

Dù là nước nghèo về kinh tế, CHDCND Triều Tiên vẫn có thể tạo nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, một khi mở cửa

Hiện nay, gần như tất cả các ngành kinh tế của CHDCND Triều Tiên đều cần được xây dựng lại.
Hiện nay, gần như tất cả các ngành kinh tế của CHDCND Triều Tiên đều cần được xây dựng lại.
Tập đoàn Orascom Construction Industries (OCI) của Ai Cập vừa ký hợp đồng trị giá 115 triệu USD, liên doanh với Tập đoàn Pyongyang Myongdang Trading Corporation, nhằm nâng cấp và vận hành nhà máy sản xuất xi măng Sangwon tại CHDCND Triều Tiên.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) vừa cho biết, khoản tiền này sẽ được dành cho hoạt động khai mỏ liên quan tới việc sản xuất xi măng và một trạm thuỷ điện chuyên dụng đặt gần nhà máy.

OCI đột phá vào Bắc Triều Tiên

Theo thoả thuận, OCI sẽ nắm giữ 50% trong Sangwon với mục tiêu nâng công suất hoạt động của nhà máy này lên 3 triệu tấn/năm. KCNA cho biết, hiện Orascom cũng có kế hoạch đầu tư vào khu công nghiệp Rason ở phía đông bắc CHDCND Triều Tiên, gần biên giới với Trung Quốc.

Tổng giám đốc Orascom, Nassef Sawiris cho hay, tập đoàn này đang tiến hành thảo luận các dự án tại khu công nghiệp Rason và họ có thể sẽ sử dụng lao động Triều Tiên trong một số dự án tại Trung Đông.

Ông Sawiris cho biết, ông nhận thấy tiềm năng phát triển đáng kể tại CHDCND Triều Tiên, do nước này rất mong muốn phát triển cơ sở hạ tầng trong nước và điều đó sẽ giúp gia tăng đáng kể nhu cầu xi măng.

Về lý thuyết, CHDCND Triều Tiên đã cho phép đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào nước này từ năm 80 của thập kỷ trước. Tuy nhiên hoạt động đầu tư của nước ngoài vào Triều Tiên vẫn gặp nhiều trở ngại, một phần lớn do cuộc khủng hoảng hạt nhân và lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên hiệp quốc.

Suốt thời gian qua, vốn FDI vào Triều Tiên chỉ từ hai kênh là Trung Quốc và Hàn Quốc vì lý do địa chính trị.

Trung Quốc là đối tác thương mại chủ yếu và cũng là nước đầu tư lớn nhất vào Triều Tiên, đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của CHDCND Triều Tiên và khoảng 20 công ty của nước này đang hoạt động trên lãnh thổ Triều Tiên, thu hút 13 nghìn lao động tại chỗ.

Hàn Quốc đang muốn mở rộng phạm vi hoạt động đầu tư tại CHDCND Triều Tiên và cuối tháng 7 này đã cử một phái đoàn sang khảo sát 3 hầm mỏ của nước này theo một thoả thuận trị giá 80 triệu USD.

Sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư

Phần lớn nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng các nhà phân tích cho rằng, dù là nước nghèo về kinh tế, CHDCND Triều Tiên vẫn có thể tạo nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, một khi mở cửa. Bởi vì hiện nay, gần như tất cả các ngành kinh tế của nước này đều cần được xây dựng lại.

Cơ hội đặc biệt lớn với các lĩnh vực như xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản... Thị trường 23 triệu dân của Triều Tiên còn đang thiếu cả những hàng hoá cơ bản nhất.

Kể từ giữa năm 2002, chương trình cải cách từng phần của CHDCND Triều Tiên đã làm tăng vai trò của thị trường trong nền kinh tế. Mặc dù hiện nay nước này chưa chính thức công bố chính sách tư nhân hoá các trang trại và công ty quốc doanh, nhưng một số đạo luật đã được ban hành để đưa đất nước phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Và, nếu vòng đàm phán sáu bên tiếp tục đạt kết quả tích cực, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Triều Tiên.

Ngày 20/7, vòng 6 đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã kết thúc sau gần 3 ngày thảo luận. Dù không ấn định được thời hạn chót để Triều Tiên công bố toàn bộ chương trình hạt nhân và đóng cửa các cơ sở hạt nhân của nước này như mong đợi, nhưng các bên đã nhất trí được một bản thoả thuận tổng thể và đồng ý sẽ tiến hành phiên thứ hai của vòng đàm phán này vào đầu tháng 9 tới.

Tại vòng đàm phán vừa qua, Triều Tiên đã tái khẳng định sẽ "thực thi đầy đủ cam kết về việc công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân của mình".

Các bên còn lại sẽ thực hiện việc viện trợ nhân đạo, viện trợ kinh tế và năng lượng cho Bình Nhưỡng như đã cam kết. Hãng tin Yonhap đưa tin ngày 20/7, Hàn Quốc đã bắt đầu việc chuyển 50.000 tấn gạo viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên.

Nếu vòng đàm phán sáu bên vẫn diễn biến tích cực như hiện nay, sẽ làm dịu lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài với CHDCND Triều Tiên và nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ theo gương Tập đoàn OCI để đầu tư vào nước này.