16:05 02/07/2010

Kinh tế Việt Nam 6 tháng: Phía sau các con số vĩ mô

Anh Quân

Tổng cục Thống kê trả lời về các vấn đề nền kinh tế đang phải đối mặt trong năm 2010

Quang cảnh cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê ngày 1/7 - Ảnh: Anh Quân.
Quang cảnh cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê ngày 1/7 - Ảnh: Anh Quân.
Ngày 1/7, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố thống kê kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2010. Những tác động từ thế giới, cũng như tồn tại của nền kinh tế đã được đại diện của Tổng cục Thống kê trả lời báo giới.

VnEconomy xin trích đăng một số thông tin chính từ cuộc họp này.

Xuất khẩu phục hồi, mừng ít lo nhiều

Công bố sau nhiều bản báo cáo vĩ mô của các bộ, ngành khác, Tổng cục Thống kê có chịu áp lực nào với các con số của mình không?

Ông Đỗ Thức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Hoàn toàn không có sự tác động nào. Chúng tôi cứ đến ngày, đến tháng là ra số liệu. Ngay cả chỉ tiêu CPI thì Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, nếu cần cũng chỉ có trước vài tiếng đồng hồ, sau đó là công bố.

Cũng không thể nào khác được, vì làm khác thì không còn phải là thống kê nữa.

Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm gần đây là việc Trung Quốc tuyên bố tăng giá đồng Nhân dân tệ. Điều này có ảnh hưởng thế nào đến cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam?

Bà Lê Thị Minh Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ và Giá cả: Trong tháng 6 vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng giá đồng Nhân dân tệ. Cho đến thời điểm này, theo số liệu thống kê của chúng tôi chưa thấy thể hiện tác động gì đặc biệt, bởi vì chính sách này của Trung Quốc cũng mới được công bố.

Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng, nhưng phải thông qua các con số thì chúng tôi mới có thể đánh giá sâu hơn.

Theo dõi số liệu xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2010, nổi lên là nhập khẩu của khu vực FDI tăng nhanh. Vậy nhập khẩu của khu vực này là nhằm mở rộng sản xuất, hay đầu tư theo cam kết từ trước, hoặc để bán trong nước?

Bà Lê Thị Minh Thủy: Đúng là từ đầu năm đến giờ, chúng tôi cũng nhận thấy nhập khẩu, và xuất khẩu nữa, của khu vực FDI có tăng trưởng tương đối mạnh, và chúng tôi cho rằng khu vực này là khu vực hấp thụ mạnh nhất sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vào xuất khẩu của họ.

Dĩ nhiên là với nền kinh tế như chúng ta, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài, với lượng hàng nhập nhiều hơn đương nhiên khu vực FDI sẽ có đóng góp tốt hơn trong xuất khẩu. Và khi xuất khẩu tăng thì nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng tương ứng.

Tôi có thể lấy ví dụ từ con số chính thức về xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2009 so với 5 tháng 2010, với một số mặt hàng khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn như máy tính sản phẩm điện tử, đóng góp của khu vực FDI tăng từ 93,7% lên 98,1%; tương tự là giấy và các sản phẩm giấy từ 65,5% lên 70%... Chúng tôi có thống kê và thấy có khoảng 10 sản phẩm mà khu vực FDI đóng góp tỷ trọng năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương ứng, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng này cũng như vậy. Ví dụ như dây và cáp điện năm ngoái khu vực này nhập khẩu chiếm tỷ trọng 54,8% thì năm nay chiếm 74%; hoặc là sản phẩm linh kiện điện tử, máy tính, năm ngoái chiếm 60% thì năm nay chiếm 70%...

So số liệu của khu vực FDI về xuất nhập khẩu cũng thấy ngay, trong khi xuất khẩu của khu vực này nếu trừ dầu thô tăng 39,5%, nhưng ngược lại nhập khẩu của khu vực này tăng xấp xỉ 49%. Tức là xuất nhập khẩu có liên thông với nhau, khi xuất khẩu tăng thì nhập khẩu cũng tăng và khu vực này đã có đóng góp tăng khá cao vào kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm.

Liên quan đến đóng góp vào GDP, với nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm về lượng, như vậy đóng góp của hoạt động này vào tăng trưởng như thế nào?

Ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm tăng 15,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì vẫn còn tăng khoảng 3,5%, với chỉ số giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 15,6% (6 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá xuất giảm 7,7%).

Về xuất nhập khẩu dịch vụ, qua ước tính của Vụ Thương mại - Dịch vụ và Giá cả, chúng ta có thể đạt 3,6 tỷ USD; nhập khẩu dịch vụ khoảng 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Điều đó có nghĩa là chúng ta nhập siêu cả thương mại hàng hóa, khoảng 6,7 tỷ USD, và thương mại dịch vụ khoảng 500 triệu USD.

Hiện giờ chúng tôi đã sơ bộ tính GDP của 6 tháng, xuất khẩu (cả hàng hóa và dịch vụ - PV) trừ yếu tố giá còn tăng 3,1%.

Cán cân thanh toán tiếp tục thâm hụt

Nhưng nhập siêu 6 tháng đầu năm vẫn ở mức cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra?

Ông Đỗ Thức: Theo số liệu thống kê, xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng, nhưng nhập khẩu tăng cao hơn, do đó nhập siêu 6 tháng đầu năm là cao, chiếm 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nếu chiều hướng này không được kiểm soát bằng những giải pháp xử lý hiệu quả và quyết liệt thì khả năng nhập khẩu, nhập siêu sẽ không giảm. Mặc dù, trong cơ cấu nhập khẩu có chuyển biến tích cực, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch (từ mức 9,7% của cùng kỳ năm ngoái), còn lại là nhập nguyên, nhiên liệu…

Và rõ ràng, nếu sản xuất công nghiệp tăng lên thì nhập khẩu và nhập siêu sẽ còn tác động đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán của chúng ta.

Bà Lê Thị Minh Thủy: Nhập siêu 6 tháng đầu năm nay lên tới 6,7 tỷ USD cũng khá là cao, và chúng tôi nghĩ rằng nhập siêu đương nhiên sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá còn liên quan đến các nguồn thu khác và nhiều chính sách khác và chủ trương của Chính phủ…

Nhập siêu 6 tháng đầu năm nay có làm cho cán cân thanh toán xấu thêm sau khi chịu mức thâm hụt rất cao, tới 8,8 tỷ USD vào năm ngoái?

Ông Bùi Bá Cường: Riêng nhập siêu hàng hóa chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm, so với GDP chiếm khoảng 15%. Theo tôi, đây là vấn đề đáng lo ngại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 6 tháng đầu năm, cán cân tổng thể đã có cải thiện hơn, năm ngoái, cán cân thanh toán 6 tháng đầu năm âm 3,3 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay còn âm 2,84 tỷ USD. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý là mức nhập siêu vượt 20% trong 6 tháng đầu năm, nếu vẫn duy trì trong phần còn lại của năm thì cán cân tổng thể có thể vẫn âm rất lớn.

Theo tôi, chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhập siêu, làm sao vẫn đảm bảo được sản xuất. Như số liệu thống kê vừa công bố, trong tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm, chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị khoảng 27% và tư liệu sản xuất trên 65%, hàng tiêu dùng chỉ có trên 7%. Nếu chúng ta hạn chế nhập khẩu thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Sản xuất chưa thoát hẳn khó khăn

Gần đây, vấn đề được phân tích nhiều là giá trị sản xuất tăng cao hơn giá trị gia tăng mà công nghiệp chế biến tạo ra. Nhìn nhận trên tương quan giữa chỉ số giá đầu vào và đầu ra sản xuất cho thấy điều gì?

Ông Bùi Bá Cường: Bắt đầu từ năm 2010, cả quý 1 và quý 2, chúng tôi thấy vấn đề hơi đáng lo ngại mà chúng ta có thể phải tiếp tục theo dõi.

Thông thường, chỉ số giá bán người sản xuất PPI tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tuy nhiên, trong quý 1, quý 2 và 6 tháng đầu năm nay, chỉ số PPI tăng cao hơn chỉ số giá CPI. Bởi vì, chỉ số PPI sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cước vận tải đều tăng khá, trong khi đó CPI tăng chậm.

Điều này cho thấy, chi phí đầu vào 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn là giá đầu ra, đó là điều đáng ngại. Nếu như hiện tượng này tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa thì nguy hiểm, bởi vì người bán hiện có thể giảm lợi nhuận để tăng số lượng, nhưng đến một lúc nào đó sẽ không chịu giảm lãi nữa. Cho nên, đến lúc đó, CPI có thể sẽ bắt đầu bùng lên, đó là suy nghĩ của tôi.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý, độ doãng này cũng còn phụ thuộc vào thay đổi cơ cấu ngành. Trong 6 tháng đầu năm nay, công nghiệp khai thác giảm, mà khai thác nhất là dầu thô, giá trị gia tăng chiếm tới 80%, chi phí trung gian chỉ có 20% thôi. Cho nên, khi cơ cấu ngành giảm xuống về phía dầu khí thì nó làm tăng độ doãng chung ngành công nghiệp và ảnh hưởng giá trị tăng thêm của ngành này.

Nhưng điều rất quan trọng là trong tiến trình công nghiệp hóa, thông thường ở giai đoạn đầu, chi phí trung gian sẽ ngày càng tăng và nó sẽ đi đến đỉnh của nó thì giảm xuống. Cho nên, độ doãng ngày càng tăng ở ngành nọ ngành kia (ở Việt Nam - PV) là điều bình thường. Chúng ta không nên vì thế mà kết luận, chi phí đầu vào chúng ta tăng, sản xuất không hiệu quả, không tiết kiệm… Không có vấn đề gì đáng quan ngại quá ở đây.  

Nhưng có ý kiến cho rằng tồn kho cao trong 6 tháng đầu năm nay là biểu hiện của khó khăn kinh doanh và buộc phải giảm lợi nhuận?

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng: Hiện nay, theo số liệu của chúng tôi, tại thời điểm 1/6/2010 so với cùng kỳ 1/6/2009, chỉ số tồn kho sản xuất công nghiệp tăng 27,5%, như vậy là hơi cao. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ cũng của công nghiệp chế biến chỉ tăng 11,5%.

Có thể kiến giải thế này, thứ nhất, công nghiệp chế biến Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng mạnh trở lại, hầu hết các ngành đều tăng trưởng cao, sản lượng một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn tăng khá.

Thứ hai, các doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất lớn cho giai đoạn tiêu thụ mạnh vào cuối năm, do sản xuất tăng mạnh nên tồn kho tăng. Nhưng tồn kho cao không có nghĩa là khó khăn, sản xuất tăng nhưng không tiêu thụ được.

Một khó khăn khác của sản xuất là thiếu vốn. Cung tiền tệ vừa qua có phải đã thắt quá chặt?

Ông Bùi Bá Cường: Liên quan đến vấn đề tiền tệ, tôi cũng có lo lắng. Quốc hội đưa ra chỉ tiêu là tăng trưởng M2 khoảng 20%, tăng trưởng tín dụng khoảng 25%.

Theo con số mà tôi nắm được, số liệu 5 tháng năm 2010 so với 5 tháng năm 2009, M2 tăng khoảng 20%, nhưng tín dụng tăng tới 28,5%. Tức là tăng trưởng tín dụng vượt mức mục tiêu đưa ra và có một sức ép đối với CPI.

Thiếu điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Trên các con số thống kê, điều này thể hiện như thế nào?

Ông Đỗ Thức: Vấn đề điện gần đây, trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản lượng điện sản xuất tăng cao với 15,5% (trong khi cùng kỳ chỉ tăng 7,9%), điện thương phẩm tăng tới 16,1%, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng điện cho sản xuất và sinh hoạt cũng tăng rất cao. Trong điều kiện huy động từ thủy điện gặp khó khăn do thời tiết khô hạn kéo dài nên khả năng đáp ứng bị hạn chế.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện cung cấp cho ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 30,5% so với cùng kỳ 2009; cung cấp cho ngành công nghiệp và xây dựng tăng 22,2%; cho ngành thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 12,9%; cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 5,6%.

Thực tế trên cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện cho sản xuất trong nước đang phát triển với tốc độ nhanh cần có sự điều tiết hợp lý giữa sản xuất và phân phối điện cho các mục đích tiêu dùng, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tránh để tình trạng thiếu điện kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.