16:43 08/10/2010

Lại chiêu “ve sầu thoát xác” trên thị trường chứng khoán?

Khánh Hà

Cổ phiếu HTV trong 5 phiên gần đây liên tục giảm sàn với áp lực bán lớn chưa từng có

Từ tháng 6 đến tháng 9, VN-Index sụt giảm khoảng 12,4% trong khi HTV lặng lẽ tăng 193% - một tỉ suất lợi nhuận không tưởng trong năm 2010.
Từ tháng 6 đến tháng 9, VN-Index sụt giảm khoảng 12,4% trong khi HTV lặng lẽ tăng 193% - một tỉ suất lợi nhuận không tưởng trong năm 2010.
Từ sau khi bùng nổ tin đồn về chiêu “ve sầu thoát xác” với cổ phiếu AAA, nhiều nhà đầu tư nhìn bất cứ cổ phiếu nào từ tăng nóng chuyển sang giảm sàn đều với con mắt nghi ngờ.

Đánh xuống

Khoảng 5 phiên gần đây, mã thế chỗ cho AAA được “kỳ vọng” nhiều nhất là HTV. Ứng cử viên đầy triển vọng này đã có 5 phiên giảm sàn với dư bán chất đống mà chẳng có người mua. HTV cũng có một quá trình tăng giá đáng nể kéo dài tới gần 3 tháng. Đỉnh cao nhất HTV đạt được trong phiên ngày 13/9 là 46.900 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng khoảng hơn 193%, từ mức 16.000 đồng/cổ phiếu.

Câu chuyện tăng giá của HTV cũng là một trong những hiện tượng khó hiểu của thị trường chứng khoán, dù không chóng mặt như một số “ngôi sao” PVX, PVA, VHG trước đó. Từ tháng 6 đến tháng 9, VN-Index sụt giảm khoảng 12,4% trong khi HTV lặng lẽ tăng 193% - một tỉ suất lợi nhuận không tưởng trong năm 2010.

Điểm khác biệt trong hiện tượng HTV là một quá trình tăng giá cần mẫn và đều đặn, không quá nóng nhưng kéo đủ dài để đạt đến một mặt bằng giá rất cao. HTV chỉ có duy nhất hai lần tăng trần liên tục 5 phiên và hai lần đó công ty đều có văn bản giải trình ngày 6/7 và 22/7. Lý do được lặp lại giống nhau: tình hình hoạt động vẫn bình thường và giá tăng là do diễn biến thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát.

Trong 5 phiên gần đây, hiện tượng đánh xuống với HTV là rất rõ ràng: thanh khoản đột ngột giảm mạnh; lượng cổ phiếu chất bán sàn hàng triệu đơn vị; cuối phiên luôn xuất hiện giao dịch mua ở mức tối thiểu, đủ để tạo giá tham chiếu cho hôm sau với mức giảm 5% mỗi ngày.

Hôm nay HTV cũng trải qua phiên giảm sàn thứ 5 liên tục với giao dịch “kỳ cục” quen thuộc: lượng bán ở giá trần 34.500 đồng là 192.000 cổ phiếu, bán sàn 1,34 triệu cổ phiếu và bán ATC trên 1 triệu cổ phiếu. Không hề có sự mặc cả nào về giá và HTV xuất hiện đúng hai giao dịch ở giá sàn, một thực hiện để tạo giá mở cửa và một tạo giá đóng cửa.

Trả giá

“Võ lừa” với AAA đến nay không nhà đầu tư nào còn lạ và về lý thuyết, có thể áp dụng với bất kỳ cổ phiếu nào. Tuy nhiên tại sao chưa bao giờ thị trường rộ lên tin đồn với PVA, VHG hay VSP? Những cổ phiếu này còn có độ nóng gấp nhiều lần mức tăng 67% trong 15 phiên của AAA: PVA từng dốc đứng 278%, PVX tăng 46,2% trong 8 phiên; VHG tăng 133,3%. Những biến động đó xảy ra trước sự kiện AAA cũng không lâu.

Thanh khoản của HTV trong suốt quá trình tăng giá đều khá tốt, tức là có mua có bán, không phải kịch trần liên tục. Tuy nhiên về cơ bản giá cổ phiếu luôn tăng cao hơn phiên trước. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư có thể thoát ra một cách dễ dàng, không phải đợi đến lúc mất thanh khoản hoàn toàn.

Mặt khác, cũng giống AAA,  HTV trải qua tới 13 phiên phân phối điển hình: Khối lượng giao dịch cao nhưng giá không thể tăng thêm mà lại giảm dần. Khoảng 3,34 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng trong chu kỳ phân phối này. Thậm chí ngay trước khi mất thanh khoản hoàn toàn, HVT vẫn còn một phiên giao dịch hơn 263.000 đơn vị với giá đóng cửa bằng tham chiếu.

Ngay với AAA, đến nay vẫn chưa thể khẳng định một cách có bằng chứng rằng “đội lái” đã lừa các công ty chứng khoán cung cấp đòn bẩy. Việc chủ động lừa (xác định từ đầu sẽ bỏ mặc tài khoản) với việc nhà đầu tư thực sự “kẹp” khi dùng đòn bẩy và buộc phải để thanh lý tài sản chỉ cách nhau một giới hạn rất mong manh. Với một quá trình phân phối đủ dài (9 phiên với hơn 4,9 triệu cổ phiếu), nhà đầu tư có kinh nghiệm hoàn toàn có thể thoát ra một cách dễ dàng chứ không nhất thiết phải bỏ tài khoản để nhận nguy cơ đối mặt với rủi ro pháp lý. Trường hợp HTV cũng vậy, “đội lái” nếu có cũng có thể thoát ra an toàn.

Từ thanh khoản bình thường chuyển sang tình trạng mất thanh khoản có thể lý giải bằng sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng. Dòng tiền lớn đầu cơ giá lên thoát ra đã không còn quay trở lại, thậm chí không loại trừ hiện tượng lượng cổ phiếu có giá vốn bằng 0 đồng được sử dụng để đánh xuống, tìm kiếm cơ hội cho “vòng hai” hoặc đầu cơ T+ tại những thời điểm đảo chiều kỹ thuật. Mặt khác, cũng có thể HTV đang có hiện tượng giải chấp sau khi mất thanh khoản.

Hiện tượng làm giá gần đây rất phổ biến và được xem là “cối xay” nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nếu không có nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia, các “đội lái” cũng chỉ có thể tự mua bán với nhau, hoặc “cùng đường” thì đi chiếm dụng vốn và “lừa” công ty chứng khoán như với giả thiết “ve sầu thoát xác” tại AAA.

Như vậy đa số trường hợp chính nhà đầu tư đã tự đưa mình vào “cối xay” khi không kiềm chế được lòng tham. Bất kỳ một cổ phiếu nào tăng nóng không rõ nguyên nhân đều được số đông nhà đầu tư xem là có hiện tượng làm giá. Vì thế khi chấp nhận tham gia một cuộc chơi rủi ro cao, những tình huống xấu nhất luôn phải được tính đến.

HTV là ví dụ khi trên phương diện cơ bản doanh nghiệp này không có gì đặc biệt về lợi nhuận, ngoại trừ khoản tiền gửi 85 tỉ đồng với lãi suất 10,45% - 10,9% và khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư cổ phiếu ngắn hạn ghi nhận tại 30/6/2010 chưa tới 5 tỉ đồng. Số tiền mặt này có thể coi là lớn với quy mô vốn 100 tỉ nhưng cũng không đáng là bao so với nhiều doanh nghiệp khác đang có thặng dư cả ngàn tỉ và vài trăm tỉ khác cất trong tài khoản ngân hàng.

Thống kê giao dịch với HTV và AAA cho thấy trong thời điểm sôi động, số lượng lệnh đặt mua, bán lên tới hàng ngàn. Cơ quan giám sát cũng hoàn toàn có thể phát hiện được nguồn gốc của các lệnh đó. Khả năng khoanh vùng chỉ gặp khó khăn khi thực tế có rất nhiều nhà đầu tư cùng tham gia một cuộc chơi và chấp nhận rủi ro. Chiêu “ve sầu thoát xác” không nhất thiết phải đi lừa các tổ chức khi có rất nhiều người khác sẵn sàng nhận “bom” vì nghĩ rằng chưa thể “nổ” trên tay mình.