11:12 26/07/2007

"Lạm phát dưới 8% là thành công"

Các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp

"Nếu kìm tăng trưởng lại thì nguồn lực yếu đi, nhưng nếu nới ra quá mức thì giá cả tăng."
"Nếu kìm tăng trưởng lại thì nguồn lực yếu đi, nhưng nếu nới ra quá mức thì giá cả tăng."
Các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp.

Bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Thưa Phó thủ tướng, một trong những giải pháp điều hành của Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 là đảm bảo các cân đối của nền kinh tế, trong đó có việc đảm bảo tốc độ tăng giá (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP?

Tinh thần của Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt, sao cho tốc độ tăng giá thấp hơn mức độ tăng trưởng.

Hiện chúng ta có mâu thuẫn là muốn tăng trưởng nhanh, cần tăng trưởng nhanh để có của cải giải quyết công bằng xã hội, có nguồn thu để xoá đói giảm nghèo, chi cho các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục... nhưng tăng trưởng nhanh thường gắn với lạm phát nên phải giải quyết cho được mâu thuẫn ấy.

Nếu kìm tăng trưởng lại thì nguồn lực yếu đi, nhưng nếu nới ra quá mức thì giá cả tăng. Cái khó của Chính phủ là chọn phương án tối ưu nhất để điều hành. Điều hành ở mức độ là nếu tăng trưởng 8,5% mà lạm phát dưới 8% là thành công. Phải quyết liệt làm cho được việc này, tất cả biện pháp đã và đang làm, ngoài ra còn có nhiều biện pháp khác...

Chính phủ đang nghiên cứu đề án cải cách tiền lương, nhưng lương chưa tăng thì tốc độ tăng giá đã lên cao quá mức, ảnh hưởng đến đời sống của người làm công ăn lương?

Nói đến người dân thì phải quan tâm trước hết đến người nông dân cả người làm nông, lâm, ngư nghiệp với số lượng hiện chiếm trên 70%.

Chính sách nhà nước phải bao trùm, ngoài ra phải quan tâm đến công nhân trong các doanh nghiệp, người ăn lương của Nhà nước trong hệ thống chính trị... Nếu giá nông sản có lên một chút thì có lợi cho nông dân, sẽ không đáng lo. Giá cà phê, hải sản... lên được là mừng.

Đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi phải làm ăn hiệu quả để có nguồn trả lương khá hơn. Đối với viên chức, tới 2007 chúng ta đã đi trước trong việc cải cách tiền lương, trước dự kiến lương tối thiểu là 400.000 đồng, giờ đã là 450.000 đồng rồi.

Còn hai loại đối tượng là viên chức hành chính gồm cả Đảng và đoàn thể đang được nghiên cứu để giải quyết và phải giải quyết lương ở mức trung bình khá.

Đối với lương ở đơn vị sự nghiệp thì phải tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy vì nhu cầu lớn, biên chế tăng cao như biên chế bác sĩ, y tá, biên chế giáo viên từ mầm non đến đại học cũng tăng.

Vì vậy, nên phải tăng xây dựng cơ sở vật chất, tăng mở trường, tăng các thành phần kinh tế tham gia (cả nước ngoài) một mặt giải quyết nguồn nhân lực, mặt khác giải quyết thu nhập. Các bước đi ấy phải đặt trong tổng thể để giải quyết.

Đối với đối tượng về hưu thì chúng ta điều chỉnh mức lương tương đương với mức trung bình của xã hội, nguồn để trả là từ nguồn bảo hiểm xã hội đã đóng trước đây giờ họ hưởng, thứ hai nguồn bảo hiểm đầu tư đã sinh lời có thể sử dụng làm nguồn tăng lương và nếu còn thiếu thì bổ sung.

Trong đó có các đối tượng là người có công, chúng ta chọn mức điều chỉnh là đảm bảo cho khoảng 8,2 triệu người có được mức sống cao hơn mức trung bình của dân cư, các bước đi như thế là phù hợp.