Lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ phải trả một phần phí dịch vụ
Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ, thì người lao động chỉ phải trả phần tiền còn thiếu cho công ty dịch vụ
Chiều ngày 13/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành.
Luật sửa đổi gồm 8 Chương với 74 điều. So với Luật hiện hành, Luật sửa đổi có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.
Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là về tiền dịch vụ (Điều 23). Cụ thể, Luật sửa đổi đã bổ sung điều khoản trong đó quy định, trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ, thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.
Trước đó, trong quá trình tiếp thu ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, có đại biểu đề nghị bỏ quy định người lao động phải trả tiền dịch vụ. Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp dịch vụ cần phải nâng cao năng lực để có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với bên tiếp nhận lao động ở nước ngoài, giảm tối đa chi phí tiền dịch vụ cho người lao động. Sau đó, tiến tới người lao động không phải chi trả tiền dịch vụ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo tinh thần khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Còn trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giữ nguyên quy định về tiền dịch vụ như hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 23, trong đó quy định rõ: Trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ hai bên đã thỏa thuận.
Ngoài điều khoản trên, Luật sửa đổi cũng quy định mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp được thu từ người lao động. Cụ thể, mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 1 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc.
Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 3 tháng tiền lương của người lao động.
Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động.
Còn đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.
Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, bổ sung thêm quyền cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Bổ sung thêm nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký cư trú sau khi về nước trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.