17:27 15/05/2012

Lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị

Nguyên Vũ

Thành lập ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính Trung ương

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã bế mạc sau 9 ngày làm việc.
Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã bế mạc sau 9 ngày làm việc.
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và lập lại Ban Nội chính Trung ương.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hôm nay (15/5) Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã bế mạc sau 9 ngày làm việc với sự thống nhất cao ban hành các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội, tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc về chính sách, pháp luật đất đai và tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ, đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, đặc biệt là trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật; tái định cư, tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân ở khu vực có đất bị thu hồi.

Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn; được có một số quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp...) theo quy định của pháp luật và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có sự phân biệt các loại đất và nguồn gốc đất; đồng thời phải có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về đất đai, phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Hội nghị cũng xác định khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay. Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ  gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể  kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó  hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư  sản xuất.

Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.

Lập lại Ban Nội chính Trung ương

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Hội nghị nhất trí cho rằng, đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động song chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước

Thảo luận về chính sách xã hội và tiền lương từ nay đến năm 2020, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội bao phủ toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.

Ưu tiên điều chỉnh tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gắn với việc khắc phục tình trạng quá nhiều loại phụ cấp; soát xét lại chế độ tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục tình trạng bất hợp lý, chênh lệch quá lớn giữa cán bộ quản lý và người lao động; tiền lương, thu nhập không gắn với kết quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chế độ tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 cùng với các đề án có liên quan, tạo bước đột phá trong việc tạo nguồn, bảo đảm cho cải cách tiền lương, thu được kết quả. Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công và các lĩnh vực có liên quan khác; gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.