20:19 14/11/2015

“Lâu dài, cần cho tư nhân ra báo”

Nguyễn Lê

Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, về lâu dài xã hội phát triển thì cũng nên cho báo chí tư nhân phát triển, chỉ cần quản nội dung cho tốt - Ảnh: Getty.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, về lâu dài xã hội phát triển thì cũng nên cho báo chí tư nhân phát triển, chỉ cần quản nội dung cho tốt - Ảnh: Getty.
“Hiện nay chưa nên cho tư nhân ra báo, nhưng về lâu dài xã hội phát triển thì cũng nên cho báo chí tư nhân phát triển, chỉ cần quản nội dung cho tốt”.

Đây là góp ý của đại biểu Bùi Thị An tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), chiều 14/11 của Quốc hội.

Chỉ không thừa nhận cá nhân

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án luật - ông Lê Như Tiến nói, xu hướng chung của luật lần này là không thừa nhận báo chí tư nhân, có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được.

Theo ông Tiến thì như vậy quy định đối tượng được thành lập đã được mở rộng hơn so với luật trước. Ông Tiến cũng bày tỏ sự ủng hộ việc này vì nó chia sẻ khó khăn cho Nhà nước, mà người dân cũng được tiếp cận nhiều thông tin, nhưng không phải dùng nhiều ngân sách Nhà nước để trang trải cho các cơ quan báo chí.

“Có một số cử tri  muốn cởi mở hơn nữa nhưng chắc chắn chúng ta phải có lộ trình. Nếu không hiện nay có 845 cơ quan báo chí chúng ta đã cảm thấy nhiều rồi, nếu mở rộng hơn nữa sẽ có sự hỗn loạn báo chí”, ông Tiến nói.

Đồng ý với sự mở rộng có giới hạn nói trên, song một số vị đại biểu cho rằng cần làm rõ là các cơ sở giáo dục đại học, gồm cả trường tư thục, trường nước ngoài có được lập cơ quan báo chí hay không.

Và, lẽ ra phải sửa Luật Báo chí rồi mới làm quy hoạch báo chí. Nhưng giờ quy hoạch đã có thì cần rà lại để xem xét sự phù hợp của quy hoạch với luật. Đồng thời cần lưu ý đặc thù, chẳng hạn địa phương nhiều cơ quan báo chí như Hà Nội hay Tp.HCM thì không thể ấn định 1-2 tờ báo như các tỉnh thành khác.

Băn khoăn là luật đi theo quy hoạch hay quy hoạch đi theo luật, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Tp.HCM) nhấn mạnh quy hoạch báo chí có nhiều vấn đề tranh cãi, nhất là với Tp.HCM, nơi hiện có rất nhiều cơ quan báo chí, trong khi nhiều cơ quan thuộc ban ngành đoàn thể đang hoạt động có hiệu quả, tự chủ tài chính và có đóng góp cho ngân sách.

“Hơi tự do quá”

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng.

Quy định thế này “hơi tự do quá” đặc biệt trong môi trường mạng, doanh nhân - đại biểu  Nguyễn Thị Nguyệt Hường lo ngại.

Cùng đoàn Hà Nội, đại biểu Phạm Ý Nhi cũng lo lắng về quy định hoàn toàn không ai kiểm duyệt, trong khi trên mạng có khi chỉ một thông tin sai đã gây hậu quả lớn nên nếu có người lợi dụng sự tự do này thì việc khắc phục là rất khó khăn.

Ủng hộ quyền tự do ngôn luận trên báo chí, song đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tỏ ra lo ngại trước quy định công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào.

Theo đại biểu Khánh thì quy định này chính là sơ hở, dễ bị lợi dụng vì thế trước mắt nên bỏ.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Tp.HCM) và một số vị khác cho rằng trang mạng cá nhân phải được điều chỉnh trong luật này, không thì sẽ không thể giải quyết được nhiều bức xúc trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng hiện nay.

"Trang mạng bùng nổ rất nhiều, nếu không coi là báo chí, không điều chỉnh trong luật này, thì điều chỉnh bằng cái gì?", ông Minh đặt vấn đề.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhìn nhận, trang thông tin cá nhân thì là quyền tự do cá nhân, không can thiệp nhưng luật phải tính đến chuyện quản các trang thông tin điện tử tổng hợp, nếu không các trang này cứ trích dẫn, giới thiệu nhiều loại thông tin mà không quản được.