Lệnh cấm nhập khẩu máy tính tại Ấn Độ có thể gây hại cho Mỹ
Liên minh các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Ấn Độ đưa ra hạn chế nhập khẩu đột ngột, ảnh hưởng đến doanh thu thiết bị điện tử từ máy tính bảng đến PC…
Thủ tướng Narendra Modi, nhà chính trị nổi tiếng với chủ trương tự do hóa kinh tế, đã nhiều lần bày tỏ ý kiến mạnh mẽ về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Mỹ dưới thời chính quyền Trump. Ngay sau đó, Ấn Độ đã trải qua cuộc suy thoái kinh tế nặng nề, khiến các ngành công nghiệp trong nước chịu áp lực liên tục. Để giải quyết tình hình, Thủ tướng Modi đưa ra giải pháp quyết định, đó là tăng cường rào cản thương mại. Lệnh cấm nhập khẩu mới sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2023, theo Tech Wire Asia.
Biện pháp mới yêu cầu các công ty Ấn Độ phải có giấy phép trước khi nhập khẩu máy tính cá nhân, máy tính xách tay hoặc thậm chí là máy tính bảng. "Nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính PC và máy chủ có kích thước siêu nhỏ sẽ bị 'hạn chế'. Việc nhập khẩu chỉ được phép thông qua đối với giấy phép hợp lệ cho hàng hóa nhập khẩu hạn chế", thông báo từ Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ nêu rõ.
Chính phủ Ấn Độ tin rằng giảm nhập khẩu là cần thiết cho an ninh và tạo việc làm trong ngành sản xuất địa phương. Những năm gần đây, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu hàng điện tử, chủ yếu là máy tính xách tay và máy tính PC. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, nhập khẩu thiết bị điện tử đạt mức 6,96 tỷ USD, tăng đáng kể so với 4,73 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực thiết bị điện tử hiện chiếm tỷ trọng từ 4% đến 7% trong tổng hàng hóa nhập khẩu cả nước. Giờ đây, chính quyền trung ương muốn các nhà sản xuất phần cứng CNTT ở Ấn Độ đạt được mức nội địa hóa khoảng 80% giá trị gia tăng cho việc sản xuất máy tính và các phần cứng CNTT khác trong tương lai gần.
THẾ GIỚI PHẢN ỨNG THẾ NÀO VỚI LỆNH CẤM NHẬP KHẨU CỦA ẤN ĐỘ?
Cho đến nay, một liên minh tập hợp những gã khổng lồ công nghệ Mỹ từ Apple đến Intel đã phản đối cách Ấn Độ đưa ra hạn chế nhập khẩu quá đột ngột, nhấn mạnh rằng động thái bất ngờ sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu cũng như gây bất lợi cho người tiêu dùng Ấn Độ.
Một báo cáo của Bloomberg chỉ ra rằng 8 nhóm thương mại Mỹ bao gồm những cái tên nổi bật trong công nghệ và sản xuất đã gửi thư cho các quan chức cấp cao vào tuần trước yêu cầu Bộ Thương mại, Đại diện Thương mại và Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi Ấn Độ xem xét lại chính sách mới nhất.
Kế hoạch yêu cầu cấp phép mới đối với hàng nhập khẩu công nghệ của quốc gia Nam Á sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2023. Động thái "có thể làm gián đoạn đáng kể thương mại, cản trở nỗ lực hội nhập của Ấn Độ vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gây tổn hại cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng cả hai quốc gia", các nhóm thương mại cho biết trong một bản tuyên bố chung gửi tới Bloomberg.
Nhiều nhóm ngành công nghiệp khác của Mỹ cũng phản đối quy định cấp phép, bao gồm Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, Hiệp hội Sản xuất Quốc gia và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.
"Bất kỳ rào cản thương mại nào cũng có thể ảnh hưởng đến việc vận chuyển máy tính và thiết bị điện tử do Mỹ sản xuất vào Ấn Độ, từ đó cản trở khả năng điều hành và mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp, dù là tại Mỹ hay Ấn Độ", Bloomberg viết. Nhiều nguồn tin cho biết hành động của chính phủ xuất phát từ thực tế chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) cho lĩnh vực phần cứng CNTT đã không đạt kỳ vọng.
Chương trình PLI sở hữu gói khuyến khích tài chính trị giá 170 tỷ rupee (khoảng 2,1 tỷ USD) nhằm thu hút các nhà sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng và phần cứng khác đến quốc gia đông dân nhất thế giới trong bối cảnh nhiều đại gia công nghệ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Thực tế, quốc gia xuất khẩu phần lớn máy tính xách tay và máy tính sang Ấn Độ là Trung Quốc.
Hơn 75% trong tổng số thiết bị máy tính xách tay và máy tính PC nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2022 - 2023 là từ nước láng giềng Trung Quốc. Mặt khác, Ấn Độ chiếm chưa đến 3% xuất khẩu máy tính xách tay của nước này.
Vì vậy, có vẻ như Bắc Kinh không quan tâm đến những gì New Delhi đang triển khai. Càng nhiều máy tính xách tay được lắp ráp trong nước, Ấn Độ sẽ càng phụ thuộc vào Trung Quốc vì khả năng sản xuất chip trong nước của Ấn Độ không đạt được mức yêu cầu.
Đối với những gã khổng lồ công nghệ ngoài Trung Quốc, như: Apple, HP, Asus, Acer, Samsung và một số thương hiệu khác sẽ phải bắt đầu sản xuất máy tính xách tay của hãng ở Ấn Độ hoặc ngừng nhập khẩu các thiết bị vào thị trường này. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, có khả năng người tiêu dùng Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng do hàng hóa khan hiếm và giá thành cao hơn. Thay vì khuyến khích ngành công nghiệp trong nước theo cách này, Ấn Độ nên xem xét trợ cấp và một số ưu đãi khác dành cho doanh nghiệp địa phương, chứ không phải hạn chế cạnh tranh thị trường.