09:54 12/04/2007

Liên minh khí đốt liệu có khả thi?

Trung Việt

Theo giới phân tích, khả năng thành lập một tổ chức khí đốt mạnh như OPEC là chưa thể có trong thời gian trước mắt

Nga hiện chiếm gần 30% trữ lượng khí đốt toàn thế giới và chiếm tới 20% sản lượng khí đốt toàn cầu.
Nga hiện chiếm gần 30% trữ lượng khí đốt toàn thế giới và chiếm tới 20% sản lượng khí đốt toàn cầu.
Tại kỳ họp lần thứ 6 Diễn đàn Các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) diễn ra trong hai ngày 9 và 10/4 ở Doha (Quatar), các đại biểu đã nhất trí thành lập Nhóm công tác cấp cao bàn về vấn đề sản lượng và giá khí đốt.

Việc thành lập nhóm công tác này là nhằm hướng tới hình thành một liên minh khí đốt quốc tế tương tự Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Diễn đàn của 14 quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới lần này, nhằm thảo luận các biện pháp để hoạt động của diễn đàn được hiệu quả hơn đồng thời củng cố sự hợp tác giữa các nước tham gia diễn đàn. Việc các nước này có đi đến quyết định thành lập một “OPEC khí đốt” hay không, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phương Tây quan tâm và lo ngại

Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Viktor Khristenco, nhóm công tác nói trên sẽ nghiên cứu những vấn đề như chính sách giá cả và mối quan hệ với các nước tiêu thụ khí đốt và sẽ thông báo kết quả nghiên cứu tại kỳ họp tới của GECF, dự kiến tổ chức vào năm 2008 tại Moscow.

Các nước tiêu thụ khí đốt, nhất là các nước phương Tây đã tỏ ra lo ngại về khả năng thành lập liên minh khí đốt kiểu OPEC, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu khí đốt tự nhiên của thế giới ngày càng gia tăng vì so với dầu khí, khí đốt tự nhiên thải ra ít khí carbonic hơn.

Tiêu thụ khí đốt của thế giới trong năm 2005 đạt 2.750 tỷ m3, trong đó 6,9% là khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG). Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, nhu cầu LNG của thế giới sẽ tăng lên 476 tỷ m3 vào năm 2010 từ mức 246 tỷ m3 hiện nay.

Trừ Nga, còn lại phần lớn các nước sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới như Angieri, Iran, Quatar và Venezuela đều là thành viên OPEC.

GECF được thành lập năm 2001, gồm 14 thành viên, trong đó có Nga, Iran, Quatar, Venezuela và Angieri. Riêng 5 nước này đã kiểm soát 72% trữ lượng khí đốt toàn cầu và chiếm 42% sản lượng khí đốt của thế giới.

Ý tưởng thành lập một "OPEC khí đốt" bắt đầu được nhắc tới nhiều từ tháng 8 năm ngoái, khi hai tập đoàn khí đốt hàng đầu thế giới là Gazprom (của Nga) và Sonatrach (của Angieri) ký hiệp định đối tác, sau đó là việc Iran đề nghị thành lập một "liên minh khí đốt" với Nga.

Ý tưởng này càng được thúc đẩy khi trong một bài phát biểu hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước chiếm gần 30% trữ lượng khí đốt toàn thế giới và chiếm tới 20% sản lượng khí đốt toàn cầu, tỏ ra quan tâm và ủng hộ ý tưởng này.

Ngay trước khi khai mạc kỳ họp này, Iran và Venezuela cũng đều bày tỏ ủng hộ việc thành lập một "OPEC khí đốt". Bộ trưởng Năng lượng Venezuela Rafael Ramirez cho rằng đây là "ý tưởng tốt"; trong khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iran nhấn mạnh GECF sẽ càng vững mạnh thêm nếu "OPEC khí đốt" được thành lập.

Chưa có “OPEC khí đốt” trong tương lai gần

Theo giới phân tích, khả năng thành lập một tổ chức khí đốt mạnh như OPEC là chưa thể có trong thời gian trước mắt, song trong bối cảnh khí đốt đang phát triển mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng thế giới, việc các nước xuất khẩu khí đốt phối hợp với nhau để kiểm soát thị trường khí đốt chặt chẽ hơn không phải là không thực hiện được.

Ông Dalton Garis, nhà kinh tế Mỹ tại Viện xăng dầu ở Abu Dahbi (Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất) cho rằng, việc thành lập một cơ chế ấn định giá khí hóa lỏng sẽ có thể dẫn đến sự ra đời một "OPEC khí đốt". Theo ông, khí đốt tự nhiên hóa lỏng hiện chiếm 1/4 thị trường khí đốt toàn cầu, và dự đoán tới năm 2030 sẽ chiếm 50%.

Tuy nhiên, thành lập "OPEC khí đốt" không phải là việc dễ dàng. Không giống dầu lửa, vốn được trao đổi tại nơi giao dịch, liên tục cập nhật giá cả thị trường dựa trên nguồn cung và cầu, khí đốt phần lớn được bán theo những hợp đồng chặt chẽ cho phép hai bên thỏa thuận và ấn định giá cả trong thời gian dài 15-25 năm.

Ngoài ra, hầu hết khí đốt tự nhiên được vận chuyển qua đường ống và không thể vận chuyển vòng quanh thế giới tới nhiều khách hàng khác nhau dễ dàng như dầu lửa. Hạ tầng cơ sở đường ống cũng đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể, do vậy thường cần đến những hợp đồng lâu dài.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tuần qua, Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Nga, Viktor Khristenko nhận định, một thị trường khí đốt toàn cầu chưa thể được hình thành trong vòng 10-15 năm tới và việc thành lập một “OPEC khí đốt” cũng khó có thể thành hiện thực trước thời điểm đó.

Ông cho rằng tuyên bố về sự hình thành “OPEC khí đốt” của một số nước phương Tây thời gian vừa qua là rất "tiêu cực và vô nghĩa" và các nước này đang cố tạo ra "viễn cảnh về một mối đe dọa toàn cầu với mục đích hướng dư luận vào mối đe dọa này thay vì vào những vấn đề của chính họ".

Ông còn cho biết, Nga không có ý định tham gia “OPEC dầu khí” này, mặc dù trước đó Tổng thống Nga Putin đã nói rằng ý tưởng thành lập tổ chức này có thể được xem xét.