Loạt chính sách trong lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực từ tháng 7
Nhiều thông tư, quy định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 7/2019
Quy định mới về Internet Banking; cá nhân dưới 15 tuổi có thể gửi tiền tiết kiệm; cá nhân cư trú từ 6 tháng trở lên được gửi tiền có kỳ hạn là ba chính sách mới trong lĩnh vực ngân hàng sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2019.
Quy định mới về Internet Banking
Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7 quy định về an toàn bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.
Theo đó, phần mềm ứng dụng Internet Banking trên thiết bị di động phải xác thực người dùng khi truy cập và không có tính năng ghi nhớ mã khóa truy cập.
Đối với việc truy cập hệ thống Internet Banking bằng trình duyệt, các ngân hàng phải có biện pháp chống đăng nhập tự động.
Ngoài ra, ứng dụng Internet Banking phải có tính năng bắt buộc khách hàng thay đổi mật khẩu ngay lần đăng nhập đầu tiên, khóa tài khoản truy cập nếu nhập sai mật khẩu liên tiếp quá số lần quy định.
Ngân hàng chỉ mở lại tài khoản khi khách hàng yêu cầu và phải xác thực khách hàng trước khi mở khóa, bảo đảm chống gian lận, giả mạo.
Cá nhân dưới 15 tuổi có thể gửi tiền tiết kiệm
Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 5/7/2019 quy định, "người gửi tiền là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệmthông qua người đại diện theo pháp luật; công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ".
Như vậy, theo thông tư này, công dân Việt Nam chưa đủ 15 tuổi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự cũng có thể gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên việc này phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật.
Thông tư trên cũng quy định, công dân Việt Nam được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam; công dân Việt Nam là người cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền. Nhưng lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định.
Cá nhân cư trú từ 6 tháng trở lên được gửi tiền có kỳ hạn
Cũng có hiệu lực từ 5/7/2019, Thông tư 49 của Ngân hàng Nhà nước quy định đối tượng được gửi tiền có kỳ hạn bao gồm cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Với những khách hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thời hạn gửi tiền không quá thời hạn hiệu lực của thị thực, quyết định thành lập/giấy phép hoạt động.