10:06 02/11/2015

Loạt giả thiết quanh vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập

Diệp Vũ

Một vấn đề khiến các nhà điều tra chú ý là chiếc A321 gặp nạn từng có lần bị hỏng

Hiện trường vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hiện trường vụ máy bay Nga rơi tại Ai Cập - Ảnh: Bloomberg.<br>
Những mảnh vỡ tan tành của chiếc máy bay Nga nằm rải rác trên khắp một khu vực rộng lớn ở Ai Cập khiến giới chuyên gia tin rằng chuyến bay xấu số đã nổ tung trên không trung. Tuy nhiên, xác định nguyên nhân khiến máy bay nổ lại không phải là một việc dễ dàng.

Hôm thứ Bảy tuần trước, chiếc máy bay A321 của hãng hàng không giá rẻ Nga Metrojet chở theo 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã rơi xuống một vùng hẻo lánh trên bán đảo Sinai của Ai Cập. Toàn bộ những người có mặt trên máy bay bị cho là đã thiệt mạng.

Theo hãng tin Bloomberg, A321 là loại máy bay được chế tạo có khả năng chịu đựng được sự nhiễu động không khí mạnh nhất có thể, đồng thời còn được trang bị giới hạn bay được mã hóa máy tính để đảm bảo không bao giờ bị mất kiểm soát. Bởi vậy, việc lý giải vì sao chuyến bay mang số hiệu KGL-9268 vỡ vụn trên không trung được dự báo sẽ là một nhiệm vụ khó.

“Rất khó để máy bay bị vỡ trong quá trình bay, rất khó”, ông John Cox, một cựu phi công Mỹ từng tham gia vào nhiều vụ điều tra tai nạn máy bay, nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 của Nga, ông Alexander Neradko, Giám đốc Cơ quan Hàng không Liên bang Nga, nói rằng máy bay có thể đã nổ tung ở độ cao lớn. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở những mảnh vỡ được tìm thấy trên khu vực dài 8 km và rộng 4 km, tương đương diện tích 32 km2.

Chuyến bay gặp nạn khi đang trên đường từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ để bay về St. Petersburg. 23 phút sau khi khởi hành, máy bay bị rơi.

Theo các chuyên gia, nếu đúng là máy bay bị nổ, các điều tra viên sẽ nghiên cứu một số khả năng dẫn tới điều này, bao gồm máy bay bị đánh bom, máy bay bị trúng tên lửa, có các thiết bị gây nổ khác trên máy bay, hoặc trục trặc trong cấu trúc máy bay.

Một nhánh tại Sinai của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, giới chức Ai Cập và Nga không tin đây là thông tin đáng tin cậy, bởi chỉ có những loại tên lửa đất đối không tinh vi nhất mới có thể đạt độ cao gần 9,5 km - độ cao hành trình mà tại đó chiếc máy bay xấu số được cho là gặp vấn đề và rơi xuống.

Bởi vậy, nhiều người nghiêng về khả năng trên chiếc máy bay gặp nạn của Nga có bom như vụ chuyến bay 103 của hãng Pan Am nổ tung trên đường từ London tới New York vào hôm 21/12/1988. Kết quả điều tra cho thấy, một thiết bị nổ nhỏ đã được bí mật đưa lên máy bay bằng cách giấu trong hành lý ký gửi. Chiếc Boeing 747 đã nổ trên bầu trời Scotland và không một ai trên máy bay sống sót.

Tuy nhiên, đến nay, giới chức Nga và Ai Cập cho biết chưa phát hiện thấy bằng chứng trên máy bay có bom. Các thiết bị nổ thường để lại dấu vết rõ ràng trên mảnh vỡ kim loại của những bộ phần gần kề, đồng thời cũng để lại dấu vết hóa chất.

Một điểm khác khiến các nhà điều tra chú ý là chiếc A321 gặp nạn từng có lần bị hỏng. Đó là khi phần đuôi của máy bay đập xuống đường băng khi hạ cánh ở Cairo vào năm 2001. Sau đó, máy bay đã được sửa chữa và sử dụng trở lại.

Lịch sử hàng không thế giới đã từng chứng kiến hai vụ tai nạn tương tự xuất phát từ việc đuôi máy bay hỏng nhưng không được sửa chữa đến nơi đến chốn.

Vào ngày 25/5/2002, chuyến bay 611 của hãng China Airlines bay từ Đài Loan sang Hồng Kông đã nổ tung  và rơi xuống eo biển Đài Loan, khiến toàn bộ 225 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do trục trặc ở phần đuôi của chiếc Boeing 747. Trước đó 22 năm, phần đuôi của máy bay này bị hỏng.

Vào năm 1985, chuyến bay 123 của hãng Japan Airlines đâm vào núi ở Nhật Bản, khiến 520 trong tổng số 524 người trên máy bay thiệt mạng. Các nhà điều tra phát hiện thấy phần đuôi của máy bay này bị gãy sau một lần sửa chữa 7 năm trước đó, dẫn tới tai nạn.

Trong cả hai trường hợp trên, bộ phận có tên gọi là vách ngăn áp suất phía sau của máy bay đều bị hỏng khi đuôi máy bay đập xuống đường băng. Ảnh chụp một số mảnh vỡ của máy bay Nga rơi ở Ai Cập có vẻ cho thấy phần đuôi của máy bay bị rời ra khỏi phần còn lại của máy bay.

Theo cựu phi công Cox, nếu chiếc A321 gặp nạn bị hỏng phần vách ngăn áp suất phía sau, thì máy bay “sẽ gặp phải vấn đề rất, rất, rất nghiêm trọng về kiểm soát”.

Một giả thiết khác về nguyên nhân dẫn tới việc máy bay bị nổ nằm ở bình nhiên liệu của máy bay.

Vào ngày 17/7/1996, chuyến bay 800 của hãng TWA trên chiếc Boeing 747 đã rơi xuống Đại Tây Dương sau khi bình nhiên liệu bị nổ, khiến toàn bộ 230 người trên máy bay thiệt mạng.

Các nhà tìm kiếm hiện đã phát hiện thấy hai hộp đen của máy bay Nga gặp nạn. Hai hộp đen này chứa băng ghi âm buồng lái và chi tiết về hoạt động của máy bay. Các điều tra viên hy vọng thông tin từ hộp đen sẽ cung cấp những dấu vết quan trọng về nguyên nhân dẫn tới việc máy bay rơi.