Lợi nhuận Quý I của TSMC tăng 60% nhưng tương lai vẫn mờ mịt
Lợi nhuận ròng của TSMC tăng hơn 60%, công ty giữ nguyên dự báo doanh thu cả năm nhờ nhu cầu chip AI bùng nổ…

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) mới đây giữ nguyên dự báo doanh thu cả năm sau khi lợi nhuận quý vượt kỳ vọng, nhờ nhu cầu chip AI tiếp tục tăng mạnh, theo CNBC.
Lợi nhuận ròng được báo cáo của TSMC tăng 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 361,56 tỷ Đài tệ, tương đương khoảng 11 tỷ USD, so với 10,8 tỷ USD dự kiến.
Trong khi đó, doanh thu quý I tăng 41,6%, đạt 839,25 tỷ Đài tệ, tương đương khoảng 25,7 tỷ USD, so với 25,6 tỷ USD dự kiến.
Doanh thu mảng điện toán hiệu suất cao, bao gồm ứng dụng AI và 5G, là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong quý, tăng 7% so với quý trước và chiếm 59% tổng doanh thu.
Trong khi đó, công ty cho biết một số công nghệ tiên tiến (được định nghĩa là 7 nanomet trở xuống) chiếm 73% doanh thu từ sản phẩm tấm wafer - vật liệu nền siêu mỏng dạng đĩa tròn. Trong lĩnh vực bán dẫn, kích thước nanomet càng nhỏ thì thiết kế bóng bán dẫn càng nhỏ gọn, dẫn đến hiệu suất xử lý cao và tiết kiệm năng lượng hơn.
“Hoạt động kinh doanh quý IV năm ngoái bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ của điện thoại thông minh, phần nào được bù đắp bởi sự tăng trưởng liên tục từ nhu cầu liên quan đến AI”, CEO TSMC C.C. Wei nói trong cuộc họp báo cáo tài chính.
“Bước sang quý II năm 2025, chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ từ công nghệ 3 nanomet và 5 nanomet”, ông Wei nói thêm.
Là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC liên tục hưởng lợi từ cơn sốt AI nhờ hoạt động sản xuất bộ xử lý tiên tiến cho các khách hàng lớn, như Nvidia của Hoa Kỳ.
TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH PHÍA TRƯỚC
Tuy nhiên, công ty hiện phát đối mặt với rủi ro tiềm tàng từ chính sách thương mại Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người áp đặt mức thuế rộng rãi trên hàng hóa từ Đài Loan và kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn đối với khách hàng của TSMC như Nvidia và AMD.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn có thể tiếp tục được mở rộng vào tháng tới theo “quy định khuếch tán AI” do chính quyền cựu Tổng thống Biden đề xuất, nhằm thắt chặt việc bán chip do xưởng đúc của TSMC.
Về thuế quan, Đài Loan hiện đang đối mặt với mức thuế chung 10% từ chính quyền Tổng thống Trump, và mức này có thể tăng lên 32% sau khi kết thúc thời gian tạm hoãn 90 ngày của chính sách “thuế đối ứng” – trừ khi Đài Loan đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ.
“Chúng tôi hiểu rằng có những bất ổn và rủi ro từ ảnh hưởng tiềm tàng của chính sách thuế quan”, ông Wei nói, tuy nhiên cũng nhấn mạnh hiện công ty chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của khách hàng.
Do đó, TSMC giữ nguyên dự báo tăng trưởng doanh thu gần mức trung bình 20% trong năm 2025, giữa bối cảnh AI tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Một phần trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, TSMC quyết định đầu tư hàng chục tỷ USD vào các cơ sở ở nước ngoài, mặc dù phần lớn hoạt động sản xuất vẫn diễn ra tại Đài Loan.
Trong một phản ứng rõ ràng đối với chính sách thương mại của ông Trump, tháng trước TSMC thông báo kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ USD vào Hoa Kỳ, bên cạnh 65 tỷ USD đã cam kết cho ba nhà máy tại đây.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo cáo tài chính, ông Wei bác bỏ thông tin cho rằng công ty đang đàm phán tham gia liên doanh vận hành nhà máy với nhà sản xuất chip Hoa Kỳ Intel.
“TSMC không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận nào với các công ty khác về liên doanh, cấp phép công nghệ hay chia sẻ công nghệ”, ông nói.
Đầu tuần này, AMD thông báo sẽ sớm sản xuất chip xử lý tại một trong những cơ sở mới của TSMC đặt tại bang Arizona, đánh dấu lần đầu tiên chip của hãng được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Nvidia cho biết họ đã bắt đầu sản xuất dòng chip Blackwell tại một số nhà máy TSMC ở Arizona. Nvidia có kế hoạch sản xuất lên đến nửa nghìn tỷ USD hạ tầng AI tại Hoa Kỳ trong vòng bốn năm tới, thông qua các đối tác như TSMC.
Cổ phiếu của TSMC niêm yết tại Đài Loan giảm gần 1%, tính từ đầu năm đến nay đã mất hơn 20% giá trị.