Lợi thế của những ngân hàng theo chuẩn Basel III
Áp dụng sớm chuẩn Basel III trong quản trị rủi ro đang mang tới nhiều lợi ích cho các ngân hàng Việt, trong đó phải kể tới việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm trên trường quốc tế và tiếp cận được nguồn vốn ngoại với chi phí rẻ...
THĂNG HẠNG TÍN NHIỆM
Trong kỳ đánh giá tháng 9 vừa qua của tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s), 12 ngân hàng Việt đã được nâng xếp hạng tín nhiệm ngay sau khi xếp hạng quốc gia của Việt Nam được tổ chức này thăng hạng từ Ba3 lên Ba2. Cơ sở cho lần thăng hạng này đến từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô của Việt Nam, bên cạnh sức khỏe của hệ thống ngân hàng đang ngày càng được cải thiện.
Chia sẻ trong chương trình talk show Dòng chảy tài chính phát sóng cuối tuần trước trên VTV1, với chủ đề về tăng cường quản trị rủi ro tại các ngân hàng, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý Danh mục Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ VCBF, đánh giá sức khỏe của các ngân hàng trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, thể hiện qua tỷ suất sinh lời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), cũng như quy mô vốn điều lệ tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua.
Với tỷ lệ cho vay trên huy động của hệ thống ngân hàng giảm từ 98% của năm 2012 xuống còn khoảng 74% tại thời điểm cuối tháng 6/2022, sức khỏe của hệ thống, theo ông Duy Anh, đã được củng cố vững chắc qua từng năm.
Để có được bước tiến lớn nói trên, nhiều ngân hàng trong hệ thống đã chú trọng công tác quản trị rủi ro thông qua áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là yêu cầu về vốn tối thiểu, đi đôi với giám sát danh mục rủi ro và minh bạch thông tin cho các ngân hàng. Nhưng không dừng lại ở Basel II, một số ngân hàng đã tiên phong triển khai Basel III - chuẩn mực đang được nhiều ngân hàng trên thế giới áp dụng, với tiêu chí khắt khe hơn về an toàn vốn, kiểm tra sức chịu đựng (stress test) và thanh khoản.
Ông Dmytry Kolechko, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của VPBank chia sẻ: “Basel III đưa ra một mức chuẩn cao hơn cho tính thanh khoản, cho sự ổn định của nguồn vốn, nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn tiền để vượt qua khủng hoảng. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ tính toán ở thời điểm hiện tại mà còn cả những dự báo cho tương lai, và quan trọng hơn cả là không chỉ ở tình trạng bình thường mà còn tính trước cả những tình huống khó khăn.”
Lấy ví dụ như VPBank - một trong ít ngân hàng áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) hay hiệp ước Basel từ sớm. Cụ thể, ngân hàng này áp dụng chuẩn Basel II từ năm 2015, IFRS từ năm 2018, và Basel III - Quản lý rủi ro thanh khoản từ năm 2021. Cuối tháng 9 vừa qua, tỷ lệ CAR hợp nhất của ngân hàng theo chuẩn Basel II đã chạm ngưỡng gần 15%, cao hơn mức 8% quy định bởi cơ quan quản lý và luôn nằm trong top đầu toàn ngành.
Xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) của VPBank được Moody’s duy trì ở mức Ba3, phản ánh niềm tin cùng sự tín nhiệm của các tổ chức quốc tế vào nền tảng vốn và kế hoạch phát triển của ngân hàng trong thời gian tới. Đây được cho là yếu tố quan trọng góp phần củng cố vị thế của VPBank, đồng thời tăng cường năng lực huy động vốn của ngân hàng từ các định chế tài chính uy tín.
TIẾP CẬN VỐN NGOẠI
Nhờ áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, nhiều ngân hàng đã không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro hệ thống, nâng cao uy tín trên trường quốc tế, mà qua đó còn tiếp cận được các nguồn vốn ngoại hùng hậu từ các định chế tài chính lớn.
Như trường hợp của VPBank, ngân hàng này mới đây đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.
Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được VPBank sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các dự án xã hội nhằm cải thiện cơ sở hạn tầng cơ bản, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.
Khoản vay quốc tế nói trên là nguồn vốn được VPBank huy động thành công thứ 2 trong năm 2022, sau khi ngân hàng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào tháng 4 vừa qua, từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Trước đó hồi tháng 7, Techcombank đã huy động được hơn 1 tỷ USD thông qua khoản vay hợp vốn quốc tế. Đây là khoản vay hợp vốn có giá trị lớn nhất của một ngân hàng Việt được ghi nhận từ trước tới nay. Tháng 10 năm ngoái, ngân hàng này đã thành công rút vốn khoản vay hợp vốn trị giá 800 triệu USD.
Tương tự, VIB cũng đã huy động được 260 triệu USD khoản vay hợp vốn quốc tế từ ADB nhằm tập trung đẩy mạnh các khoản vay cho các SME, doanh nghiệp tư nhận và khách hàng cá nhân.