11:24 26/07/2007

Lượng tiền trong lưu thông sẽ giảm

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp nhằm kiểm soát mức gia tăng tiền tệ 6 tháng đầu năm

"Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để hút tiền về ở mức trung hoà với lượng tiền đã đưa ra."
"Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để hút tiền về ở mức trung hoà với lượng tiền đã đưa ra."
Trao đổi với phóng viên về những biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết:

- Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp nhằm kiểm soát mức gia tăng tiền tệ 6 tháng đầu năm như: 

Tăng dự trữ bắt buộc, thực hiện các biện pháp hút tiền về, áp dụng các công cụ thị trường mở... nhằm khống chế tín dụng ở mức hợp lý, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng trong thời gian tới?

Trước tình hình lạm phát có nguy cơ ở mức cao, trong 6 tháng cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để kiềm chế mức gia tăng tiền tệ phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Cụ thể:

- Hút tiền về, nhưng vẫn giữ ổn định lãi suất và tỉ giá, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay với tốc độ hợp lý đảm bảo đáp ứng vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Tiếp tục rà soát cơ chế để vừa tạo điều kiện cho các khách hàng vay, tiếp cận nguồn vốn trong ngân hàng, đồng thời kiểm soát tốc độ cho vay sao cho có chất lượng.

Thắt chặt chính sách tiền tệ chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước bắt đầu lo ngại lạm phát?

Dù tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên cũng có những yếu tố chưa lường hết được. Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phân tích tình hình lạm phát và đưa ra dự báo trong 6 tháng cuối năm. Trên cơ sở dự báo này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp ứng phó đối với các yếu tố bất thường và phối hợp với các bộ, ngành có giải pháp kiềm chế lạm phát.

Đến lúc cần phải hút tiền về chứng tỏ lượng tiền trong lưu thông đang khá lớn. Đâu là nguyên nhân?

Ngoài những yếu tố tác động đến lạm phát như tăng giá lương thực, thực phẩm..., cũng có nguyên nhân do lượng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào nền kinh tế trong thời gian qua khá cao. Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một lượng tiền khá lớn để mua lượng ngoại tệ này.

Góp phần kiềm chế lạm phát, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ để hút tiền về ở mức trung hoà với lượng tiền đã đưa ra, sao cho khối lượng tiền trong lưu thông ở mức cân đối với tổng giá trị hàng hoá, trên cơ sở phát triển kinh tế và tình hình lạm phát thực tế.

Ông cho biết sẽ có chính sách hút tiền về mà không phải tăng lãi suất huy động. Theo ông, cách nào để đạt được mục tiêu này?

Hiện nay các ngân hàng thương mại có một lượng vốn dư thừa khá lớn do tốc độ tăng trưởng vốn huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách hút lượng tiền dư thừa tạm thời này về nên có thể sẽ không làm tăng lãi suất trên thị trường.