16:01 10/02/2023

Lưu ý khi người Việt mua, sử dụng tài khoản ChatGPT để tránh những nguy cơ tiềm ẩn

Bảo Bình

Nhiều cá nhân, tổ chức bán các tài khoản ChatGPT được đăng ký bằng số điện thoại ở nước ngoài, điều này cực kỳ rủi ro đối với người mua dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam...

Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo (CAIO), founder Công ty An ninh mạng thông minh Smart Cyber Security (SCS).
Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo (CAIO), founder Công ty An ninh mạng thông minh Smart Cyber Security (SCS).

Có lẽ, từ đầu năm 2023 đến nay, chủ đề nổi cộm nhất của giới công nghệ là ChatGPT. Chatbot thông minh này đang thu hút sự chú ý của thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy vậy, người dùng Việt Nam vẫn chưa được OpenAI, startup phát minh ra ChatGPT, hỗ trợ.

Chính vì thế, làn sóng chia sẻ, mua bán tài khoản ChatGPT đang rộ lên trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Kết nối, giao dịch để mua tài khoản ChatGPT theo cách này liệu có tiềm ẩn nguy cơ nào cho người dùng hay không?

TechConnect / VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc cấp cao về trí tuệ nhân tạo (CAIO), founder Công ty An ninh mạng thông minh Smart Cyber Security (SCS). Ông Thắng là một chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hardware, AI…

Ông đánh giá như thế nào về sức ảnh hưởng của ChatGPT?

ChatGPT là chatbot với công nghệ dựa trên mô hình AI ngôn ngữ lớn GPT-3.5 do công ty Open AI phát triển. Với mô hình GPT-3.5 các đoạn hội thoại được tạo ra cực kỳ giống với con người, có thể nói là tiệm cận. Với nguồn dữ liệu được thu thập vô cùng lớn từ internet, cũng như mô hình huấn luyện bằng hai kỹ thuật học tăng cường (reinforcement learning) và học có giám sát (supervised learning), đồng thời có vai trò của con người huấn luyện viên đóng vai trò làm cả hai bên: người dùng và trợ lý AI. Với phương pháp này, ChatGPT cho một kết quả vượt trội hơn so với các Chatbot trước đó, đó là ChatGPT có thể trả lời thông minh giống con người trong một số lĩnh vực.

Trước mắt, ChatGPT có thể thay thế một số công việc của con người như: thay thế các tổng đài viên chăm sóc dịch vụ khách hàng, một số công việc tư vấn viên... Đây là những con việc lặp đi lặp lại, con người đã làm rất tốt và ChatGPT sẽ tiến dần tới thay thế. Ngoài ra, với một cơ sở dữ liệu được thu thập vô cùng lớn, ChatGPT còn có thể giúp lập trình, giải toán, viết văn... điều này có thể ảnh hưởng tới các lĩnh vực về giáo dục, phóng viên, lập trình viên, luật sư... nó chỉ tác động về cách thức chứ chưa thể thay thế. ChatGPT cũng chỉ là một cải tiến về công nghệ chatbot có chất lượng vượt trội, nhưng chưa phải là một bước đột phá về công nghệ có khả năng suy luận và sáng tạo như con người.    

Dịch vụ ChatGPT dù rất nổi tiếng song vẫn chưa hỗ trợ người dùng Việt Nam. Vì thế, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều lời rao bán, chia sẻ tài khoản ChatGPT để những người mong muốn trải nghiệm dịch vụ có cơ hội sử dụng. Liệu việc sử dụng những tài khoản mua bán như thế này có rủi ro an toàn thông tin gì không thưa ông?

Dịch vụ ChatGPT là một chatbot thế hệ mới, cho kết quả vượt trội hơn so với các chatbot trước và có thể trả lời thông minh giống con người trong một số lĩnh vực. Điều này đã giúp ChatGPT trở thành hiện tượng và viral (phổ biến) trên các mạng xã hội và giới truyền thông, kích thích sự tò mò của hàng triệu người trên toàn thế giới. Chỉ sau 2 tháng ChatGPT đã có hơn 100 triệu người dùng. Vì vậy, rất nhiều người muốn sử dụng ChatGPT vì tò mò cũng như phục vụ cho công việc. Hiện tại dịch vụ này chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam, để có tài khoản chúng ta phải đăng ký thông qua địa chỉ IP hoặc số điện thoại ở nước ngoài (nước đã được cung cấp dịch vụ như: Mỹ, Canada...).

Tại Việt Nam rất nhiều người quan tâm tới ChatGPT, để có tài khoản thì phải sử dụng nhiều cách như: VPN sang IP nước ngoài, sử dụng điện thoại ở nước ngoài, hoặc mua tài khoản của các bên không đảm bảo để sử dụng. Điều này có thể gây nhiều rủi ro mất tiền do các tài khoản được bán không hợp lệ, hoặc lộ lọt thông tin cá nhân như: điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng... Vì thế, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam thời gian này để tránh rủi ro.

Về vấn đề dùng số điện thoại của nước ngoài, người dùng có sợ sau này sẽ bị thu lại tài khoản từ người bán hay không?

Nhiều cá nhân, tổ chức bán các tài khoản ChatGPT được đăng ký bằng số điện thoại ở nước ngoài, điều này cực kỳ rủi ro đối với người mua dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam. Số điện thoại là định danh để sở hữu tài khoản, nếu người sử dụng dịch vụ không phải là người sở hữu số điện thoại này thì có thể mất tài khoản bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta không nên sử dụng dịch vụ này trừ khi chỉ mua để tìm hiểu và chấp nhận rủi ro mất tài khoản.

Chatbot thông minh này đang thu hút sự chú ý của thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chatbot thông minh này đang thu hút sự chú ý của thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Có nên để lộ thông tin cá nhân trong khi giao dịch mua bán không?

Tất cả các giao dịch mua bán thường sẽ phải có một số thông tin để giao dịch như: tên, tuổi, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng... Nên việc giao dịch mua bán tài khoản ChatGPT cũng sẽ lộ lọt một trong các thông tin cá nhân này dù cách này hay cách khác. Với các giao dịch không đảm bảo an toàn, thì việc lộ lọt thông tin cá nhân sẽ là một rủi ro hiện hữu.

Khi Việt Nam có nhiều tài khoản "lậu", điều đó có ảnh hưởng gì đến nhà cung cấp không, thưa ông?

Trong thời gian này, các tài khoản sẽ được tạo ra với số lượng lớn. Trong số các tài khoản này sẽ có những tài khoản "lậu" được mua bằng các thẻ tín dụng bị "hack", việc nhiều người sử dụng các tài khoản không hợp lệ trước mắt sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên của nhà cung cấp dịch vụ, gây ra các hiện tượng chậm, nghẽn thắt cổ chai, gián đoạn dịch vụ... Về lâu dài, nhà cung cấp dịch vụ có thể bị truy thu tiền do các tài khoản "lậu" sử dụng các thẻ tín dụng bị trộm cắp.

Nhiều người cho rằng ChatGPT có nguy cơ gây tin tức giả mạo, sai lệch nội dung. Ông bình luận gì về điều này? Làm thế nào ngăn chặn mối nguy hiểm tiềm tàng này? 

Các tin tức mà ChatGPT tạo ra nó là kết quả được thu thập trên môi trường internet, và các tin tức này có thể đúng (nếu nguồn tin thu thập đúng) và có thể sai (nếu nguồn tin này là tin fake). Internet nó cũng giống như một xã hội, chúng ta vẫn sống hàng ngày với các tin tức thật và tin tức fake trước khi ChatGPT được sinh ra nên tôi nghĩ cũng không quá ảnh hưởng, miễn là chúng ta biết tiếp cận các nguồn tin từ những nguồn chính thống.

Để ngăn chặn những mối nguy hiểm tiềm tàng ngày theo quan điểm của tôi có 3 vấn đề chính phải giải quyết đó là:

-  Nhà cung cấp dịch vụ ChatGPT phải làm sạch nội dung, cũng như kiểm soát các nội dung trước khi tới người sử dụng, đây là điều kiện tiên quyết.

- Đối với các nhà quản lý thì nên có những biện pháp tuyên tuyền cũng như hướng dẫn để người đọc loại bỏ các nguồn tin không đáng tin cậy và tiếp cận đúng các nguồn tin chính thống.

- Đối với người đọc cần nâng cao ý thức khi tiếp cận các nguồn thông tin từ internet tránh truy cập và các nguồn tin không rõ nguồn gốc.

Theo ông, các nhà quản lý của Việt Nam có nên bắt đầu tìm cách kiểm soát ChatGPT ko và kiểm soát như thế nào? 

Với vai trò của nhà quản lý, trước những sản phẩm có tính ảnh hưởng cao như ChatGPT tới cộng đồng thì tôi nghĩ chúng ta phải bắt tay và nghiên cứu sự ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lên cộng đồng. Từ đó, chúng ta có những biện pháp phát huy sự tích cực và giảm thiểu các tiêu cực. ChatGPT cũng chỉ là 1 trong hàng ngàn công nghệ đang được cả thế giới phát triển, theo tôi dùng từ “kiểm soát” sẽ không chính xác vì chúng ta không phải là những người tạo ra để có quyền kiểm soát, chúng ta chỉ nên tập trung đánh giá sự ảnh hưởng để từ đó có những biện pháp thích ứng phù hợp sao cho có lợi nhất.