00:03 22/02/2007

Malaysia vươn lên thành cường quốc về xuất khẩu

Trung Việt

Tổng giá trị thương mại năm 2006 của Malaysia đạt khoảng 300 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 168 tỷ USD

Một góc thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia về đêm.
Một góc thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia về đêm.
Tổng giá trị thương mại năm 2006 của Malaysia đạt khoảng 300 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 168 tỷ USD.

Kết quả này - vừa được Malaysia công bố - đã đưa nước này vào nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về xuất khẩu, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Hà Lan...

Bộ trưởng Bộ Công thương quốc tế Malaysia Rafidah Aziz cho biết, với mức tăng trưởng xuất khẩu 10,3%, Malaysia cũng là nước có mức thặng dư thương mại tăng liên tiếp trong vòng 9 năm qua.

Năm 2006, thặng dư thương mại của Malaysia đạt kỷ lục khoảng 30,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm trước. Cũng trong năm qua, giá trị xuất khẩu của Malaysia đạt khoảng 168 tỷ USD, chiếm 55% tổng giá trị thương mại của nước này.

Hoạt động xuất khẩu của Malaysia năm 2006 tăng mạnh là nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn gia tăng, đặc biệt là thị trường ASEAN, Mỹ và Trung Quốc, trong đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế tạo tăng 11,2 tỷ USD; các mặt hàng như dầu thô, dầu cọ và cao su thô đều tăng giá và khả năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu của Malaysia được duy trì ổn định từ những năm trước.

Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính của Malaysia; và Tây Bắc Á là thị trường khu vực lớn nhất của nước này, chiếm khoảng 27,4% giá trị xuất khẩu của Malaysia trong năm 2006. Các thị trường ASEAN, Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc chiếm tới 79,6% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước này.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu của Malaysia sang thị trường Mỹ là mặt hàng dầu cọ tăng 21% đạt mức kỷ lục 477 triệu USD. Ngoài ra, việc Chính phủ Malaysia xoá bỏ hạn ngạch trong xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc cũng khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng 30,8%; đạt 1.634 triệu USD.

Theo kết quả cuộc thăm dò 185 tổng giám đốc ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức đánh giá Korn/Ferry International (KFI), cơ quan nghiên cứu đánh giá hàng đầu thế giới hoạt động tại 35 nước, Malaysia đứng thứ ba trong khu vực Đông Á sau Trung Quốc và Ấn Độ về triển vọng kinh doanh trong vòng 5 năm tới.

Chủ tịch KFI phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Charles Tseng nhận xét, Malaysia là một thị trường đầu tư và thúc đẩy hoạt động kinh doanh tốt hơn cả Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan.

Malaysia đã tăng đầu tư và áp dụng chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” nhằm thu hút những tài năng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành thung lũng Silicon của châu Á, đuổi kịp và vượt Singapore trong những năm tới về phát triển công nghệ cao.

Malaysia đang vươn lên cạnh tranh với Singapore và trở thành một trung tâm vận tải biển trong khu vực. Giám đốc điều hành cảng biển Westport của Malaysia cho biết, tập đoàn vận tải biển China Shipping Group (CSG) của Trung Quốc (triển vọng trở thành một trong ba tập đoàn vận chuyển container hàng đầu thế giới vào năm 2010) vừa quyết định chuyển trụ sở hoạt động đặt tại Singapore sang cảng Westport ở Port Klang (Malaysia).

Trước đó, công ty vận tải biển Maersk Sealand của Đan Mạch và Công ty Evergreen của Đài Loan cũng chuyển trụ sở từ Singapore đến cảng Tanjung Pelepas của Malaysia. Đây là những động thái cho thấy ngành vận tải biển của nước này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.

Không chỉ phát triển trong lĩnh vực thương mại, Malaysia còn phấn đấu trở thành trung tâm du lịch trong vùng. Có thể nói hoạt động du lịch Malaysia phát triển năng động nhất trong khu vực, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho nước này sau ngành công nghiệp chế tạo. Mỗi năm Malaysia đón hàng chục triệu lượt khách du lịch. Người nước ngoài đến du lịch Malaysia chủ yếu từ các nước láng giềng Đông Nam Á, châu Á và Trung Đông.