Mạng lưới hầm xuyên châu lục cất 10 tỷ USD Bitcoin cho giới giàu
Mạng lưới hầm Xapo hiện cất giữ số Bitcoin có giá trị lớn hơn tiền gửi của 98% ngân hàng Mỹ
Xapo là mạng lưới hầm ngầm tại 5 châu lục có người canh gác, cửa chống cháy và hành lang bằng bê tông cốt thép. Bên trong hầm là hệ thống máy chủ mã hóa, không được kết nối mạng và chứa "chìa khóa" của khối tiền ảo khổng lồ.
Doanh nhân người Argentina - Wences Casares, giám đốc điều hành của Xapo, đã dành nhiều năm để thuyết phục giới triệu phú, tỷ phú ở Thung lũng Silicon rằng Bitcoin là tiền tệ của tương lai, rằng họ cần mua một ít và ông sẽ là người bảo vệ chúng cho họ.
Mạng lưới hầm ngầm ở 5 châu lục
Hầm ngầm của Xapo ở Thụy Sĩ - Ảnh: Xapo.
Startup Xapo của Casares đã xây dựng một mạng lưới hầm ngầm tại 5 châu lục, trong đó có một nơi từng là hầm trú ẩn của quân đội Thụy Sĩ. Xapo nổi tiếng với những khách hàng giàu có và quyền lực, và thi thoảng mới cho phép phóng viên vào hầm để tìm hiểu viết bài về hệ thống an ninh ở đây.
Dù vậy, số lượng tiền ảo mà Xapo đang cất giữ giúp các khách hàng là bao nhiêu vẫn còn là điều bí mật. Hai khách hàng của Xapo cho biết con số này là khoảng 10 tỷ USD, trong khi đó, một người khác nói rằng con số này khó ước tính chính xác bởi giá trị Bitcoin thường biến động.
Tuy nhiên, việc nắm giữ tới 7% lượng Bitcoin toàn cầu đồng nghĩa với việc Xapo - startup mới 4 năm tuổi, đang nắm trong tay "tiền gửi" nhiều hơn 98% ngân hàng tại Mỹ. Điều này cho thấy Casares nhận được sự tin tưởng lớn từ các nhà đầu tư cũng như các công ty lớn đầu tư vào tiền ảo như Grayscale và CoinShares.
"Những người không tự giữ khóa cá nhân của mình sẽ tìm đến Xapo", Ryan Radloff của CoinShares cho biết. "Có cho tiền tôi cũng không giữ chúng ở ngân hàng". Coinshares hiện đang gửi số Bitcoin trị giá hơn 500 triệu USD ở Xapo.
Những tên tuổi lớn ủng hộ Xapo gồm người đồng sáng lập của LinkedIn Corp. - Reid Hoffman, cựu chuyên gia phố Wall Mike Novogratz.
Nguyên tắc đầu tiên khi sở hữu Bitcoin là phải đảm bảo khóa cá nhân được an an toàn. Nếu kẻ trộm có được mã khóa đó, chúng có thể khoắng sạch số tiền ảo trong chớp mắt và không thể lấy lại được. Việc dùng một thiết bị có kết nối internet là một con dao hai lưỡi, tuy tiện lợi nhưng cũng có thể bị kẻ xấu tấn công và đánh cắp từ xa.
Do đó, một cách cất giữ thay thế phổ biến là sử dụng "ví lạnh" (cold storage). Đây là một hình thức lưu trữ khóa trong các thiết bị không kết nối mạng như ổ đĩa. Tuy nhiên, phương thức này vẫn có rủi ro. Hacker vẫn đặt bẫy trong máy tính để thâm nhập thiết bị này ngay thời điểm chúng được kết nối.
Một cách tấn công truyền thống hơn cả là đột nhập vào nhà và bắt cóc. Vì vậy, một số người sở hữu nhiều Bitcoin đã phải che giấu danh tính, lắp đặt thiết bị an ninh cho nhà cửa và học cách tự vệ.
Xapo đã đưa ra giải pháp là cất giữ các thiết bị "ví lạnh" trong hầm ở các khu vực núi đồi với nhiều lớp bảo vệ điện tử.
Tại Xapo, việc lấy lại Bitcoin mất khoảng 2 ngày. Trước tiên công ty sẽ kiểm tra danh tính của khách hàng, xác thực yêu cầu của họ trước khi thực hiện ký giao dịch bằng khóa cá nhân ở nhiều hầm chứa khác nhau. Yêu cầu phải được chấp thuận bởi 3 hầm chứa khác nhau mới được thực hiện. Xapo cũng có quầy giao dịch cho phép khách hàng mua bán Bitcoin và làm thẻ ghi nợ Bitcoin để chi tiêu.
Sự nghiệp cả đời với Bitcoin
Dù không mấy khi xuất hiện trước truyền thông, Wences Casares, 44 tuổi, trở thành ngôi sao của Thung lũng Silicon với sức thuyết phục của ông và Xapo. Một số cố vấn của Xapo hiện gồm Larry Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, John Reed – cựu CEO của Citigroup và người sáng lập của Visa International - Dee Hock.
Wences Casares - người sáng lập, CEO của Xapo - Ảnh: Bloomberg.
Xapo đang tìm cách thu hút các khách hàng tổ chức bởi Xapo đang tìm cách tiếp cận các khách hàng tổ chức như quỹ hưu trí, ngân hàng tư nhân, quản lý quỹ tài sản, văn phòng gia đình, quỹ đầu cơ…
Việc thiếu những giải pháp dành cho nhóm khách hàng này khiến nhiều nhà quản lý tài sản chưa muốn cho Bitcoin vào danh mục đầu tư. Xapo cho biết nếu thu hút được nhóm khách hàng tổ chức, dòng tiền chảy vào Bitcoin sẽ vô cùng lớn
Casares cho biết sứ mệnh của cuộc đời ông là giúp Bitcoin được chấp nhận. Sinh ra trong một gia đình chăn cừu tại một vùng hẻo lánh tại Argentina, suốt tuổi trẻ của mình, Casares nhận thức rõ về sức ảnh hưởng của lạm phát. Đó là động lực khiến ông xây dựng nhiều startup công nghệ tài chính (fintech) và đã kiếm được hàng trăm triệu USD trước khi biết đến Bitcoin.
Năm 2000, Casares bán 75% startup dịch vụ tài chính Patagon của mình với giá 259 triệu USD và tiếp tục bán startup ví điện tử Lemon với giá 43 triệu USD 13 năm sau đó để tập trung vào tiền ảo. Khi đó, ông đã nắm trong tay một lượng tương đối lớn đồng Bitcoin.
"Bản thân tôi cũng đã phân bổ tài sản của mình để đầu tư vào Bitcoin bởi tôi rất tin tưởng vào nó", Casares cho biết.
Vài năm gần đây, giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt, châm ngòi cho sự ra đời của nhiều tiền ảo đối thủ như Ethereum và Ripple - hiện đều có vốn hóa nhiều tỷ USD. Tuy vậy, Xapo chỉ chọn đồng Bitcoin bởi vì Casares tin rằng chỉ tập trung vào đây mới thành công. Xapo đã từ chối nhiều khách hàng muốn gửi các loại tiền ảo khác.
Dù vậy, vấn đề này đã nhiều lần khiến các lãnh đạo của Xapo băn khoăn. "Chúng tôi tin rằng Bitcoin sẽ không thể được chấp nhận rộng rãi nếu mọi người phải giữ khóa cá nhân của mình. Đây là rào cản về mặt kỹ thuật khá lớn khi họ phải trở thành ngân hàng của chính với các biện pháp an toàn", Ted Rogers - Chủ tịch của Xapo cho biết.