11:23 05/11/2008

May mặc đuối sức trên sân nhà

Ái Vân

Hàng may mặc của Việt Nam đang bị hàng ngoại nhập chèn ép ngay trên sân nhà

So về giá cả, hàng may mặc của các thương hiệu trong nước rẻ hơn rất nhiều lần hàng ngoại, nhưng người chuộng hàng hiệu không tiếc tiền mua sắm vì họ thích kiểu dáng bắt mắt tinh xảo, chất liệu vải, màu sắc đẹp - Ảnh: Việt Tuấn.
So về giá cả, hàng may mặc của các thương hiệu trong nước rẻ hơn rất nhiều lần hàng ngoại, nhưng người chuộng hàng hiệu không tiếc tiền mua sắm vì họ thích kiểu dáng bắt mắt tinh xảo, chất liệu vải, màu sắc đẹp - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam đang đứng vị trí thứ 9 trong nhóm các nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất trên thế giới nhưng lại bị hàng ngoại nhập chèn ép ngay trên sân nhà.

Vấn đề này đang là bài toán đau đầu của ngành dệt may trong nước. Không thể phủ nhận trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước cũng đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng hình ảnh trên thị trường nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ lực tạo sức bật cho các thương hiệu.

Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu cho rằng: Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hàng thời trang mà mới chỉ dừng lại ở việc bán hàng dệt may.

Trong khi, với dân số 86 triệu dân là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác. Theo như kết quả nghiên cứu và khảo sát thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa mới tiến hành trong tháng 10/2008 được công bố mới đây thời trang là sản phẩm mà người tiêu dùng chịu chi đứng sau mặt hàng lương thực thực phẩm.

Về hàng may mặc người tiêu dùng sẵn sàng mua sắm từ 150.000 - 500.000 đồng/tháng, chiếm 18% tổng chi tiêu hàng tháng. Trong đó, người tiêu dùng ở độ tuổi từ 20-25 tuổi mua quần áo nhiều nhất với 46,4%, tiếp đến là độ tuổi từ 26-35 tuổi chiếm 23,8%. 70% người mua sắm thời trang hằng tháng. Con số lượng người mua sắm khoảng 2 - 3 tháng/lần cũng chiếm số đông.

Với những con số này, có thể khẳng định rằng sức tiêu thụ của thị trường rất lớn. Tuy nhiên, lâu nay các doanh nghiệp đang bỏ trống thị phần, còn sản phẩm ngoại nhập vẫn chiếm ưu thế và áp đảo.

Hàng ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường

Hiện tại, các trung tâm thương mại lớn ở các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội là nơi tập trung đông đảo của hầu hết các thương hiệu thời trang nước ngòai như Valentino Rydy, Guess, Ungaro, Levis's, Gucci, Calvin Klein, Bossini, Giordano. Không ít các sản phẩm của những nhãn hiệu này có giá bán không dưới 1 triệu đồng/sản phẩm, và doanh thu bán hàng của các trung tâm mua sắm vẫn giữ được mức tăng trưởng đều đều hàng năm.

So về giá cả, hàng may mặc của các thương hiệu trong nước rẻ hơn rất nhiều lần hàng ngoại, nhưng người chuộng hàng hiệu không tiếc tiền mua sắm vì họ thích kiểu dáng bắt mắt tinh xảo, chất liệu vải, màu sắc đẹp.

Hàng Trung Quốc đang "đánh" mạnh ở khu vực bán buôn ở các chợ, hệ thống của hàng thời trang, đây lại là kênh thu hút phần lớn người tiêu dùng. Như đánh giá của các nhà nghiên cứu thị trường với tác động của khó khăn nền kinh tế nhu cầu mua sắm mặt hàng quần áo sẽ giảm trong 6 tháng tới đây.

Các họat động bán buôn của thị trường vẫn dồn vào dòng hàng giá thấp và chất lượng trung bình, sức tiêu thụ dòng hàng giá cao chậm lại. Vì tần suất mua sắm của người dân giảm lại từ tác động của diễn biến của nền kinh tế.

Tạo dựng thương hiệu riêng

Tại hội thảo về vấn đề khai thác thị trường dệt may nội địa do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại Tp.HCM mới đây, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định: đến năm 2010, doanh thu hàng may mặc có thể đạt đến 6 tỷ USD tại thị trường nội địa.

Vì vậy, có thể nói sức tiêu thụ của thị trường còn tăng trưởng mạnh, và là cơ hội cho doanh nghiệp ngành may mặc trong nước. Vấn đề chính đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam hiện nay là làm thế nào để tạo ra lực bứt phá rõ nét.

Trong thời gia qua, trên thị trường cũng đã nổi lên một số thương hiệu như Nino Maxx, Foci, Nem, Việt Tiến, PT 2000, Blue, An phước, Phương Đông...

Để có được tên tuổi trên thị trường, các doanh nghiệp đã phảo nỗ lực rất lớn, nhưng các chuyên gia nhìn nhận rằng nếu xét về góc độ phổ biến thì hàng may mặc trong nước còn đang ở phân khúc đại trà. Bởi lẽ Việt Nam còn rất thiếu những nhà thiết kế.

Thời gian qua cũng đã nổi lên một vài nhà thiết kế có tên tuổi nhưng không thể thực hiện thương mại hóa sản phẩm bởi lượng ít và hạn chế về lực. Sản phẩm may mặc của Việt Nam chưa thể hiện được các thuộc tính về thời trang đó là sự năng động.

Tính thời trang ở đây được hiểu theo các yếu tố thể hiện phong cách và xu hướng. Mặt khác xét về góc độ ưu thế, thời trang công sở đang là phân khúc được các doanh nghiệp trong nước tập trung khai thác mạnh. Song yếu điểm của các thương hiệu Việt là các doanh nghiệp còn đang trong vòng luẩn quẩn chưa tìm thấy lối ra.

Sản phẩm của các thương hiệu na ná nhau dẫn đến tình trạng cạnh tranh nhau gay gắt. Như lí giải của chuyên gia nghiên cứu thị trường Trần Anh Tuấn chính là vì các thương hiệu chưa định hình được đặc điểm riêng cho mình.

Đã đến lúc, doanh nghiệp may mặc cần nhìn nhận lại phương thức xây dựng thương hiệu của mình, cũng như thay đổi hình thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cũng theo như ý kiến của chuyên gia Tuấn, kinh doanh trong lĩnh vực hàng thời trang cực kì khó. Hoạt động tiếp thị hiệu quả tức là phải tạo được và để lại dấu ấn và cảm xúc trong lòng người tiêu dùng.

Để đạt được điều này cần các doanh nghiệp phải thể hiện được yếu tố tính cách riêng ngay trong thương hiệu. Vì vậy, không thể giữ mãi thói quen sử dụng ngay tên công ty để đặt cho thương hiệu sản phẩm vì sẽ khó gây ấn tượng với người tiêu dùng cũng như cần thay đổi về cách thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Phải chủ động ấn hàng vào tay người mua!

Theo như khảo sát thì đại bộ phận tiếp thị, bán hàng về sản phẩm may mặc chưa được trang bị cách thức bán hàng. Phần lớn các nhân viên này đều thiếu thông tin về sản phẩm, còn thụ động trong khâu giới thiệu hình ảnh sản phẩm. Bộ phận marketing của các thương hiệu chưa đủ mạnh để nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng.

Theo như nhận xét của bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm thì thời trang ngày nay không dừng lại ở khái niệm "ăn ngon, mặc đẹp" mà đã tiến thêm một bước là thời trang phải "sành điệu", thể hiện được cá tính của người mặc.