Miền Trung có vị trí thế nào trên bản đồ công nghệ Việt?
Góc nhìn của Chủ tịch FPT Software về vị trí của các tỉnh miền Trung đối với các công ty công nghệ
Các tỉnh miền Trung đang có vị trí như thế nào đối với các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài? Và 3-5 năm nữa, miền Trung sẽ có vị trí như thế nào trên bản đồ công nghệ Việt Nam…?
VnEconomy đã đặt những câu hỏi trên tới ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software (thuộc tập đoàn FPT), một trong những doanh nghiệp công nghệ “tiến về Đà Nẵng” từ khá sớm, đã tròn 10 năm, và có chi nhánh rất lớn tại đây, để xem “sức hút” cho phát triển trong lĩnh vực vực công nghệ đối với dải đất miền Trung này.
Trò chuyện với VnEconomy ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 15/8 tại Đà Nẵng, ông Tiến nói:
- So với Hà Nội và Tp.HCM, khu vực miền Trung là thị trường mới nổi và mới chỉ có một số ít công ty công nghệ tham gia vào thị trường khu vực này. Tuy nhiên, đây là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Đơn cử như với FPT Software Đà Nẵng, trong 3 năm qua, công ty luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu và nhân lực trên 50%/năm. Theo kế hoạch phát triển, FPT Software Đà Nẵng sẽ đạt 2.500 nhân viên vào năm 2015.
Trong tương lai gần, tôi cho rằng miền Trung sẽ trở thành nơi cung cấp đáng kể nguồn lực công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lợi thế nhân lực
Nhưng hiện các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đang khai thác tiềm năng tại thị trường miền Trung, trong đó trung tâm là Đà Nẵng, như thế nào?
Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung đang có lợi thế về nguồn nhân lực. Vì người miền Trung có truyền thống về sự bền bỉ, nhẫn nại, khả năng vượt khó cao. Bên cạnh đó, với sự gia tăng đầu tư vào miền Trung thì cũng sẽ có nhiều hơn các dự án tin học phục vụ cho chính quyền/doanh nghiệp tại khu vực.
Vậy sự phát triển của các công ty công nghệ cả trong và ngoài nước tại miền Trung đã tương xứng với tiềm năng của vùng hay chưa?
Chắc chắn là chưa.
Miền Trung có nguồn nhân lực lớn và nếu có chính sách thích đáng về đầu tư, đặc biệt về đào tạo như ngoại ngữ, định hướng đúng đắn về công nghệ… thì có thể phát triển được mạnh mẽ hơn rất nhiều.
So với các vùng khác như Hà Nội và Tp.HCM thì miền Trung, cụ thể Đà Nẵng có những lợi thế, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức để phát triển lĩnh vực công nghệ?
Đà Nẵng hiện tại đang xây dựng hình ảnh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, điều này hấp dẫn không chỉ đối với người miền Trung mà cả cho các nhân tài từ các nơi khác cũng như đối với khách hàng. Việc Đà Nẵng coi phát triển công nghệ thông tin – truyền thông và đào tạo chất lượng cao là một trong những định hướng chiến lược trong kế hoạch phát triển cũng sẽ là nhân tố thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư.
Thách thức hiện tại thì công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông tại thị trường Đà Nẵng thời gian phát triển chưa lâu, vì vậy số lượng các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm công việc đang chưa nhiều. Trong giai đoạn ngắn hạn điều này gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp công nghệ tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, dù Đà Nẵng rất nỗ lực nhưng các thành phố như Hà Nội hay Tp.HCM đã đi trước khá lâu và khá xa trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông và đã xây dựng được uy tín nhất định trên thế giới, trong khi Đà Nẵng vẫn ít được biết đến hơn. Vì vậy các doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn để thuyết phục các khách hàng nước ngoài.
Theo ông, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin nói chung thì mảng công nghệ nào, như sản xuất phần cứng, phần mềm, các dịch vụ công nghệ thông tin… có tiềm năng phát triển vượt trội tại khu vực này?
Theo tôi, Đà Nẵng có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi, đây là những nhân tố thuận lợi cho việc triển khai cung cấp các dịch vụ xuất khẩu phần mềm và dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO – Business Process Outsourcing).
Tạo thế chân kiềng
Với riêng FPT, các tỉnh miền Trung, tâm điểm là Đà Nẵng thì đang có vị trí như thế nào đối với sự phát triển của FPT hiện nay cũng như trong thời gian tới? Quy mô, doanh số và tốc độ phát triển của FPT Đà Nẵng hiện nay là như thế nào?
Sau 10 năm phát triển, FPT Đà Nẵng đã có được sự phát triển ấn tượng về nhân lực, doanh thu, vị thế và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Tập đoàn.
Hiện quy mô nhân sự của FPT Đà Nẵng đã đạt con số trên 3.000 người, trong đó có khoảng 50% là các kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên, kỹ sư cầu nối có trình độ chuyên môn cao. Trong hai năm gần đây, doanh thu của FPT Đà Nẵng luôn tăng trưởng trên 30%.
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT Software Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng doanh thu trung bình 50-60%/năm. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được FPT Đà Nẵng triển khai, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới.
Cùng với Hà Nội, Tp.HCM, FPT Đà Nẵng tạo thế phát triển chân kiềng vững chắc cho FPT tại thị trường trong nước.
Ngày 13/8/2014, FPT đã khởi công xây dựng khu phức hợp văn phòng (FPT Complex) với quy mô 5,9 ha tại khu đô thị công nghệ FPT, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng để chuẩn bị cho sự phát triển của FPT Đà Nẵng trong giai đoạn tiếp theo. Dự kiến trong 2015 sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án này, cung cấp chỗ làm việc cho 3.200 kỹ sư công nghệ thông tin.
Trong chiến lược phát triển thời gian tới, FPT Đà Nẵng có những định hướng, chiến lược riêng, khác biệt gì so với các vùng khác để tận dụng và phát huy thế mạnh của khu vực này?
Chúng tôi sẽ phát huy ưu thế về cơ sở hạ tầng và sự gắn kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để tận dụng triệt để nguồn lực ở miền Trung. Hiện trung tâm đào tạo của FPT tại Đà Nẵng đã và đang đào tạo gần 1.000 nhân lực hệ cao đẳng thực hành cho khu vực miền Trung.
Ngoài ra, nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm làm việc thiết thực cho sinh viên, FPT Đà Nẵng đã thực hiện chương trình liên kết với 14 trường đại học tại khu vực miền Trung thông qua việc chuyển giao các gói đào tạo.
Đà Nẵng đang có những chính sách mạnh mẽ hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ cao của miền Trung. Với tư cách là doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất khu vực miền Trung, FPT Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có những đóng góp ấn tượng vào mục tiêu này.
Thành phố rất đặc biệt
Theo báo cáo thị trường việc làm ngành công nghệ thông tin năm 2014 của Hiệp hội Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) Malaysia vừa công bố, thì Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trong ngành ICT hấp dẫn nhất trong các nước Đông Nam Á (ASEAN), thậm chí trên các quốc gia có nền công nghệ thông tin phát triển sớm như Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ, Trung Quốc. Đáng chú ý, trong đó các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang là nơi trả lương cao cho lao động ICT có trình độ cao, gấp gần 3,7 lần tại Kuala Lampur và xếp trên một số thành phố lớn như Thượng Hải, Seatle, New York, Chicago, Hongkong... Ông nghĩ sao về thông tin này?
Khó có thể đưa ra đánh giá về độ chính xác của báo cáo trên. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thông tin trên ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, mức lương cho lao động ICT của Việt Nam hấp dẫn nhất trong các nước Đông Nam Á là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng của nguồn nhân lực ICT của Việt Nam đã được nâng cao.
Tuy nhiên, ở khía cạnh thứ hai, chi phí nhân lực cao sẽ có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Tín hiệu đáng chú ý và ấn tượng trên, theo anh sẽ tác động như thế nào đến việc thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhân lực vào phát triển lĩnh vực công nghệ tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung?
Như tôi nói ở trên, Đà Nẵng đang có những lợi thế nhất định về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Đà Nẵng là thành phố rất đặc biệt, thành phố đáng sống, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia công nghệ đến làm việc và sinh sống.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông, để Đà Nẵng và miền Trung phát triển mạnh hơn nữa về công nghệ thông tin thì cần có những cơ chế, chính sách như thế nào?
Chúng tôi đang đặt mục tiêu đưa Đà Nẵng thành một trong những trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn của FPT, bên cạnh hai trung tâm lớn tại Hà Nội và Tp.HCM. Để làm được điều này, chúng tôi cần có sự ủng hộ từ chính quyền địa phương về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ thông tin thông thạo tiếng Nhật. Vì hiện nay, các đối tác Nhật Bản đang xem Đà Nẵng như là một điểm đến hấp dẫn để ủy thác dịch vụ phần mềm.
FPT Software Đà Nẵng hiện đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 30 khách hàng lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó, phần lớn là các khách hàng Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng, cần khuyến khích các cơ sở đào tạo đưa ra định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh sinh viên và đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ.
Hiện nay, nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm làm việc thiết thực cho sinh viên, FPT Software Đà Nẵng đang thực hiện chương trình liên kết với 14 trường đại học tại khu vực miền Trung thông qua việc chuyển giao các gói đào tạo.