08:16 04/06/2012

Một cách giải khác về bài toán ách tắc giao thông

Tạ Thị Ngọc Thảo

Nếu “thấy” rõ nguyên nhân và hệ quả, thì cũng có nghĩa sẽ tìm ra lời giải

Nếu “thấy” rõ nguyên nhân và hệ quả, thì cũng có nghĩa sẽ tìm ra lời giải - Minh họa: Ngọc Diệp.
Nếu “thấy” rõ nguyên nhân và hệ quả, thì cũng có nghĩa sẽ tìm ra lời giải - Minh họa: Ngọc Diệp.
“Nếu “thấy” rõ nguyên nhân và hệ quả, thì cũng có nghĩa sẽ tìm ra lời giải”, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo viết khi đưa ra góc nhìn về bài toán giải quyết ách tắc giao thông.

Giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM là một bài toán khó. Cần dựa trên thuyết nhân - quả, nghĩa là tìm ra nguyên nhân nào đã gây ra hệ quả hiện nay, rồi từ đó lần ra cách giải.

Nguyên nhân và hệ quả

Nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến, đó là yếu tố tầm nhìn. Tại Tp.HCM, nếu vào những năm đầu giải phóng, hệ thống giao thông công cộng của chế độ cũ (Pháp và Mỹ) để lại được các nhà lãnh đạo ra quyết sách giữ gìn, tôn tạo và đầu tư bắt kịp với tốc độ dân số và phát triển kinh tế, thì ngày hôm nay người dân không phải sắm mỗi người một xe gắn máy.

Hệ quả của xe gắn máy không chỉ là ùn tắc đường mà còn là tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tốn kém nhiên liệu, lãng phí thời gian, vuột mất cơ hội… Đây là vấn nạn của nhiều nước trong khu vực phải giải quyết trước khi trở thành nhóm nước đang phát triển (hoặc phát triển); các nhà lãnh đạo đều biết nhưng vẫn không tìm được đường tránh.

Nguyên nhân thứ hai là do các nhà quy hoạch và phát triển đô thị. Hiện nay khoảng cách giữa mật độ dân số nội thành và ngoại thành rất xa. Ví dụ, nội thành Tp.HCM mật độ trên 10.000 người/km2, ngoại thành chỉ dưới 700 người/km2; điều này nói lên sự phân bố dân cư chưa đồng đều.

Giá mà, khi dân số của nội thành chưa vượt quá giới hạn cho phép của hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, những các nhà quy hoạch vạch ra chiến lược phát triển thêm nhiều đô thị vệ tinh để giãn dân thì ngày hôm nay không lâm vào hoàn cảnh “trứng” thì nhiều mà “rổ” thì nhỏ xíu!

Cũng tại Tp.HCM, hàng chục, hàng trăm khu nhà liên kế thấp tầng (do chế độ cũ xây dựng) ở vị trí vàng trung tâm thành phố đã bị giải tỏa, rồi được cấp giấy phép cho nhà đầu tư xây dựng vài chục tầng làm văn phòng cho thuê, trung tâm giải trí, trung tâm mua sắm, chung cư cao cấp... Chính việc làm này đã phá vỡ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc đô thị và gây ách tắc giao thông ở những thành phố lớn.

Nguyên nhân thứ ba thuộc về lỗi hệ thống. Đã có con số thống kê ngày nào trên đất nước ta cũng có hằng trăm người gặp nhau để… họp. Tại sao chúng ta lại có thói quen thích tổ chức nhiều cuộc họp? Tại sao những cuộc họp đó phải tổ chức ở những thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Trên chiếc xe 4 chỗ, 7 chỗ, ngoài tài xế, người ta thường thấy chỉ có một người ngồi. Lòng đường giao thông vốn vừa yếu vừa thiếu, còn bị những những chiếc xe này cắt xén một phần không nhỏ.

Nguyên nhân thứ tư thuộc về chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, đó là thủ tục hành chính. Chuyện “hành” là “chính” của bộ máy hành chính đã làm cho doanh nghiệp và người dân phải thường xuyên dầm mưa dãi nắng. Họ đi đâu? Họ đi xin thành lập doanh nghiệp, xin khai thuế hải quan, xin nộp thuế doanh nghiệp, xin nộp thuế đất-nhà, xin đăng ký kết hôn, xin khai sinh cho con, xin cho con đi học…

Ai cũng biết ở nước ta những chuyện xin này không phải xin một lần mà được, mà nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm. Và vì thế mật độ dân số nước ta so với nước bạn không nhỉnh hơn bao nhiêu, nhưng số người đi lại ngoài đường thì thuộc loại “ai cũng phải ngước nhìn”.

Lời giải

Người ta nói, nếu “thấy” rõ nguyên nhân và hệ quả, thì cũng có nghĩa sẽ tìm ra lời giải. Xin phép gợi mở một số cách như sau.

Tất cả những cuộc họp cấp quốc tế, quốc gia (mà không thể không họp) chúng ta nên tổ chức ở những tỉnh, thành phố có mật độ tham gia giao thông thấp. Tiếp theo, gấp rút xây dựng hệ thống chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương, từ ngành ngang qua ngành dọc để những vị lãnh đạo Nhà nước, tỉnh, thành họp giao ban, trao đổi công việc trực tuyến. Được vậy sẽ giảm lưu lượng xe giao thông, giảm chi phí hội họp, lợi cho ngân sách quốc gia.

Khi đã có hệ thống chính phủ điện tử thì rất nên đưa vào phục vụ cho hành chính công. Bộ máy hành chính nhà nước, doanh nghiệp, người dân thông qua hệ thống Chính phủ điện tử để giao dịch. Nếu làm được việc này chúng ta không chỉ giảm ách tắc đường, giảm ô nhiễm, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thời gian ở ngoài đường mà còn - vì không gặp mặt - cho nên giảm sự nhũng nhiễu, chung chi. Và như vậy, đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế và tăng chỉ số hạnh phúc.

Kiên quyết không cấp phép cho những công trình cao tầng ở trong trung tâm tỉnh, thành có mật độ người tham gia giao thông cao - bất kể công trình đó là của ai, nhóm nào. Về lâu dài nên dời trung tâm hành chính ra ngoại thành để giảm lượng người tham gia giao thông ở trung tâm. Đây cũng là cách giãn dân, giãn doanh nghiệp và cân đối lại mật độ dân số nội - ngoại thành.

Không nên chọn giải pháp đầu tư tàu điện ngầm, đường trên không ở nội đô thành phố lớn có mật độ dân số cao để giảm ách tắc giao thông, vì không khả thi; mà nên dành nguồn lực tập trung xây dựng nhiều thành phố mới hoặc thành phố vệ tinh bên cạnh thành phố cũ như kinh nghiệm của Trung Quốc, Malaysia…

Như vậy, chúng ta sẽ có nhiều thành phố mới được quy hoạch và xây dựng đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến thượng tầng kiến trúc. Đây cũng là lời giải căn cơ cho chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững.

Chúng ta không tham vọng giải được hệ quả của bài toán ách tắc giao thông cùng một thời điểm mà, điều gì bức bách làm trước, điều gì còn có thể chờ được, làm sau.

Ngoài những nguyên nhân và những biện pháp đã đề cập trong bài này, có thể còn có nguyên nhân và biện pháp khác nữa, nếu được cộng đồng nêu thêm thì càng đầy đủ để giúp Nhà nước giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.