14:19 29/12/2009

Một cách nhìn khác về thưởng tết

Quỳnh Lam

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói về chuyện thưởng tết

Phó chủ nhiệm Đặng Như Lợi: tiền thưởng của khu vực doanh nghiệp FDI thực chất hơn.
Phó chủ nhiệm Đặng Như Lợi: tiền thưởng của khu vực doanh nghiệp FDI thực chất hơn.
Chỉ còn hơn một tháng  nữa là đến Tết Canh Dần, người lao động đang háo hức trông chờ vào khoản tiền thưởng cuối năm. Theo nhận định của một số chuyên gia cũng như lãnh đạo doanh nghiệp thì tiền thưởng năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đặng Như Lợi lại có một cái nhìn khác.

Ông Lợi cho rằng, tiền thưởng ở khu vực Nhà nước thực chất là “làm trước ăn sau”. Nói thưởng tết năm nay cao hay thấp hơn năm ngoái là rất khó bởi đây là đoán chừng hay dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp? Thực tế thì cho đến thời điểm này, chưa ai tổng hợp được kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà máy, để nói một cách rõ ràng, vì thế tất cả chỉ mới là dự đoán.

Vậy ông có dự đoán như thế nào về tình hình thưởng tết năm nay của các doanh nghiệp?

Thực ra vấn đề lương thưởng ta có thể gọi chung là thu nhập. Ở khu vực không chính thức, đó là khu vực không có quan hệ lao động làm thuê, làm công hưởng lương, thì gọi là thu nhập; ngược lại, khu vực chính thức làm công ăn lương thì gọi là tiền lương.

Vậy năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ 5,2 %, nếu lấy cái đó để nói lương thưởng năm nay sẽ cao thì có lẽ không chính xác.  

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, người ta  có đơn giá tiền lương, khi có đơn giá tiền lương rồi, những năm khó khăn thì họ có thể tạm ứng, đơn vị cao có thể tạm ứng 80%, thấp chỉ được 60%. Đến cuối năm, họ hoàn thành kế hoạch, họ được lấy lại từ 20%  đến 40% của cái gọi là tạm ứng để họ thanh toán tiền lương khi tháng 12 kết thúc.

Cách nhận lương này khiến lao động được nhận tiền nhiều hơn vào những vào cuối năm là vì đầu năm lao động chưa nhận đủ mà chỉ là tạm ứng, trrong khi đó mình lại quan tâm đến thu nhập , lương thưởng cuối năm bằng bao nhiêu chứ không chia bình quân 12 tháng làm việc bằng bao nhiêu.

Thường thì tại doanh nghiệp nhà nước, khi lao động hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, họ sẽ được hưởng 3 tháng lương thực hiện của  quỹ tiền thưởng, quỹ phúc lợi. Có thể so với  năm ngoái nó thấp nhưng tại thời điểm đó lại là lớn. Người ta nghĩ rằng được thưởng mấy chục triệu nhưng không  nghĩ đến việc, 10 tháng đầu năm đáng lẽ họ được nhận lương 2 triệu thì họ chỉ có nhận 1,2 triệu thôi. Về điều này thì không thấy ai phản ánh  cả.

Nói như ông thì tiền thưởng tết là không thực chất sao?

Không hẳn như thế nhưng lỗi ở đây thuộc về anh nắm tình hình. Tại sao không nắm thực chất của vấn đề trong cả năm lại chỉ nắm vài tháng để nói lên điều này.

Đối với tiền thưởng, khu vực doanh nghiệp FDI thực chất hơn vì họ “làm đến đâu ăn đến đấy”, không như khu vực Nhà nước “làm trước ăn sau”.

Nếu không có việc, doanh nghiệp FDI  sẽ giãn lao động để vẫn đảm bảo mức lương như thế, chứ họ không giảm lương. Khi nào cần, có việc, họ lại tuyển lao động, và như thế họ cứ đi theo nhịp độ tăng trưởng  kinh tế. Vì thế, nếu có họ chỉ chi trả tiền thưởng theo quy định ít nhất bằng một tháng lương thứ 13 thì là khoản tiền thưởng thật chứ không như lao động  Nhà nước hưởng theo kiểu chia dồn tiền lương của cả năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân hay FDI làm ăn tốt, làm ăn có lãi, với chiến lược lâu dài, họ muốn năm sau vẫn giữ được đội ngũ lao động này, không bị doanh nghiệp khác lôi kéo, họ có thể tăng mức tiền thưởng lên.

Đấy là chưa  bàn về tổng thể của nền kinh tế khi đồng tiền bị chi dồn vào việc cuối năm, điều này rất tai hại. Vì khi có tiền người ta hay có tư tưởng mua có đắt hơn một chút cũng không sao, như vậy là tác động về mặt tâm lý chung, đẩy giá cả tăng lên. Khi giá cả tăng lên, lại làm cho anh có tiền chạy đổ xô đi mua hàng để cho đồng tiền khỏi mất giá, sinh ra một vòng luẩn quẩn, khó điều tiết..

Vậy, tại sao Quốc hội không đưa vấn đề lương thưởng nói trên vào giám sát?

Quốc hội không giám sát thưởng tết vì điều này không nằm trong Luật Lao động. Quốc hội chỉ giám sát những cái được quy định bởi luật, ví dụ: doanh nghiệp không được bắt lao động làm quá 8 tiếng/ ngày, rồi chế độ làm thêm giờ, chế độ thai sản...Vì thế vấn đề này thuộc nhiệm vụ của Chính phủ.

Ngoài ra, nếu chúng ta quản lý chi tiết đến vấn đề tiền thưởng và tiền lương thì không đảm bảo cơ chế thị trường. Đặc biệt, khi chúng ta tham gia Tổ chức thương mại thế giới phải tuân thủ theo nền kinh tế thị trường.Tiền lương là theo sự thỏa thuận với nhau, chỉ cần anh đảm bảo được mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định. Vì thế, mới có chuyện cùng công việc đó có nơi trả 5 triệu đồng nhưng cũng có những chỗ chỉ 2 triệu.

Khi Luật Lao động không có quy định bắt buộc khoản thưởng tết thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động như thế nào, thưa ông?

Tất nhiên là ảnh hưởng chứ, vì cuối năm, giá cả tăng, nếu không có khoản tiền thưởng lao động sẽ gặp khó khăn. Đấy là chưa kể phải mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện người lao động ít có khả năng thương lượng với người sử dụng lao động về tiền thưởng Tết trong hợp đồng lao động vì hợp đồng lao động thường ghi rất chung chung: “các chế độ thưởng phụ thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp!”.

Vì thế, vai trò của tổ chức công đoàn trong vấn đề này vô cùng quan trọng. Công đoàn cần đại diện cho người lao động để thương lượng với chủ sử dụng lao động khi xây dựng quy chế lương, thưởng. Nếu doanh nghiệp có ký kết tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể,  trong đó quy định tỷ lệ qũy khen thưởng chiếm khỏang 10% lợi nhuận sau thuế thì sẽ có lợi hơn cho người lao động khi nhận tiền thưởng Tết.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hiện hầu hết tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp là người của doanh nghiệp. Mang tiếng là đại diện cho người lao động nhưng tổ chức này lại do doanh nghiệp dựng lên và nếu làm trái ý doanh nghiệp, họ cũng đứng trước nguy cơ mất việc như người lao động.