17:04 13/12/2023

Một nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang "độc chiếm" thị trường Châu Phi

Bảo Ngọc

Sau khi tạo dựng chỗ đứng vững chắc tại châu Phi, nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc đang tìm kiếm những chân trời mới nhằm “tái tạo” thành công….

Suy giảm liên tục, năm 2023 là năm đầy thách thức đối với ngành điện thoại di động toàn cầu. Tuy nhiên, một gã khổng lồ đến từ Trung Quốc đang bước qua “cơn gió ngược” này: đó là Transsion Holdings.

Theo KrASIA, Transsion nổi lên là công ty hoạt động nổi bật, đạt mức tăng trưởng đáng kể và đảm bảo vị thế thống trị thị trường. Dữ liệu mới nhất công bố vào quý 3/2023, Transsion vượt qua Vivo để giành vị trí thứ năm toàn cầu về doanh số điện thoại di động, với thị phần đạt 8,6%, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng vượt bậc không chỉ giúp Transsion tạo nên khác biệt trong thị trường vô vàn khó khăn mà còn biến công ty trở thành đối thủ đáng gờm đang tiến gần đến Oppo xếp thứ 4, vốn chỉ chiếm 8,9% thị phần toàn cầu.

Trong cả quý 2 và quý 3/2023, Transsion ghi nhận thu nhập hoạt động tăng đáng kể: lần lượt là 30% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng tăng vọt lần lượt 194% và 146%, làm nổi bật hiệu quả tài chính vững mạnh của công ty.

Kể từ năm 2023, tỷ suất lợi nhuận gộp của Transsion đã phục hồi đều đặn. So với mức dao động quanh 10% trước đây, tỷ suất lợi nhuận gộp của hãng được điều chỉnh lên 24% trong hai quý vừa qua, đạt 28% trong quý 3 - cao hơn đáng kể so với tỷ suất lợi nhuận gộp mảng kinh doanh di động của đối thủ lớn Xiaomi, chỉ khoảng 17%.

Điều quan trọng trong sự thành công của Transsion là khả năng thích ứng và không ngừng phát triển theo bối cảnh điện thoại di động toàn cầu. Ông Zhu Zhaojiang (còn được gọi là George Zhu), nhà sáng lập Transsion, trước đây từng làm việc cho thương hiệu điện thoại Ningbo Bird, sớm nhận ra tầm quan trọng của cạnh tranh khác biệt trong kinh doanh. Tránh xa thị trường nội địa có tính cạnh tranh cao, Transsion thay vào đó định vị hãng một cách có chiến lược trên trường quốc tế.

Ông Zhu đã tận dụng hiểu biết về sản phẩm điện thoại phổ thông kết hợp với lợi thế chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc để đạt được thành công to lớn ở thị trường châu Phi. Giờ đây, công ty đặt mục tiêu nhân rộng kết quả này sang một số thị trường mới nổi khác.

GIẢI MÃ THÀNH CÔNG TẠI CHÂU PHI

Năm 2023, Transsion cho thấy sự tăng trưởng ngược xu hướng tại thị trường nước ngoài, chủ yếu nhờ nền tảng kinh doanh vững chắc của hãng ở châu Phi. Nhìn chung, châu Phi là thị trường hoạt động tương đối ổn trong năm nay, với ngành công nghiệp smartphone trên đà đi lên trong Quý 2 và Quý 3.

Dựa vào bối cảnh thực tế, châu Phi đặt ra nhiều thách thức khiến các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc từ bỏ ý định tiếp cận, bao gồm cơ sở hạ tầng liên lạc không ổn định và tình trạng mất điện thường xuyên. Tuy nhiên, Transsion đã chủ động giải quyết những thách thức còn tồn đọng trong suốt 15 năm hiện diện ở lục địa này.

Ví dụ, để đối phó với tình trạng mất ổn định và chi phí tín hiệu liên lạc cao, Transsion đã phát triển điện thoại với thiết kế “bốn thẻ SIM, bốn chế độ chờ”, cho phép người dùng chuyển sang thẻ SIM khác khi không có tín hiệu. Hơn nữa, hãng cũng phát triển điện thoại có thể lưu dữ liệu và sử dụng trong điều kiện mạng yếu.

Ngoài những thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng, một trở ngại khác đối với các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khi thâm nhập thị trường châu Phi là khó khăn chuyển giao công nghệ. Ví dụ, thuật toán nhận dạng khuôn mặt thường được phát triển dựa trên dữ liệu khuôn mặt của người dân Đông Á và người da trắng. Điều này dẫn đến việc người dùng châu Phi thường gặp phải tình trạng ảnh bị mờ, không lấy nét được. Để giải quyết vấn đề, Transsion đã thu thập cơ sở dữ liệu lớn về nhận diện khuôn mặt của người châu Phi, cho phép tạo ra các thuật toán hình ảnh mới, phù hợp với tông màu da và đặc điểm bề ngoài của người dân khu vực.

Tecno Universal Tone - công nghệ chụp ảnh đa tông màu da được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
Tecno Universal Tone - công nghệ chụp ảnh đa tông màu da được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

Đáp ứng đặc thù thị trường, Transsion đã phát triển vỏ điện thoại có khả năng chống ăn mòn khỏi mồ hôi và nhiệt độ cao do khí hậu nóng bức. Hãng cũng ưu tiên thiết kế loa tần số thấp phù hợp với cộng đồng yêu âm nhạc của khu vực.

Transsion đã duy trì thị phần tương đối ổn định ở châu Phi, dao động quanh mức 40% trong hai năm qua. Ngoài ra, Pakistan và Bangladesh cũng nổi lên như thị trường trọng điểm, với thị phần lần lượt là 37,9% và 21,5% vào năm 2022.

Những khu vực này tạo thành nền tảng vững chắc cho các lô hàng điện thoại thông minh của Transsion. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro tiềm ẩn. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất, nhiều khu vực đang đối mặt với rủi ro nợ và lạm phát lớn, khiến quá trình phục hồi kinh tế trở nên khó khăn, có khả năng làm mất đi động lực của ngành công nghiệp smartphone. Do đó, Transsion đang tích cực khám phá một số “lãnh thổ” mới và chủ trương biến thành “châu Phi” tiếp theo.

NHÂN RỘNG THÀNH CÔNG Ở LĨNH VỰC MỚI

Không nản lòng trước những “cơn gió ngược” của nền kinh tế toàn cầu, Transsion tiến hành khám phá nhiều thị trường mới ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ. Những thị trường mới này có điểm tương đồng với châu Phi: dân số đông và tỷ lệ sở hữu điện thoại di động bình quân đầu người thấp.

Hơn nữa, các khu vực trên đang ở thời điểm giảm giá cước di động khi chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh, cho thấy nhu cầu cải thiện cơ cấu. Hầu hết quốc gia cũng không có thương hiệu điện thoại tại địa phương và chuỗi cung ứng đủ sức đáp ứng nhu cầu, tạo cơ hội cho đa số đại gia Trung Quốc xâm nhập.

Một báo cáo từ Counterpoint nêu bật thành công của Transsion tại thị trường mới. Trong quý 2/2023, công ty với các thương hiệu Tecno, Infinix và Itel đạt tốc độ tăng trưởng đáng chú ý lần lượt là 148%, 42% và 17% tại Đông Nam Á, trở thành một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất khu vực.

Tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng của các thương hiệu đạt 56% (Tecno), 29% (Infinix) và 41% (Itel).

Cách tiếp cận của Transsion đối với những thị trường mới thường liên quan đến điều chỉnh kết hợp sản phẩm nhằm tăng giá trị giao dịch trung bình. Trước đây, dòng điện thoại bán chạy nhất của hãng tại thị trường châu Phi có giá trung bình khoảng 42 USD. Công ty dần đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhiều đối tượng hơn, chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh và thậm chí còn mạo hiểm thử sức ở thị trường ngách điện thoại màn hình gập đắt tiền.

Nhiều báo cáo tài chính thấy giá trung bình một chiếc smartphone của Transsion cao hơn khoảng 6 lần so với điện thoại truyền thống của hãng. Tỷ lệ xuất xưởng điện thoại thông minh tăng từ 22% năm 2016 lên hơn 40% năm nay. Đáng chú ý, smartphone chiếm khoảng 40% doanh số nhưng lại đóng góp tới 80% tổng doanh thu công ty.

Các thương hiệu của Transsion, mỗi thương hiệu đều mang tuyên bố giá trị riêng, cho phép công ty thử nghiệm thị trường từ trung cấp đến cao cấp. Tecno nhắm đến nhóm tiêu dùng trung lưu, Infinix tập trung vào nhóm nhân khẩu học trẻ hơn, am hiểu công nghệ, trong khi Itel phục vụ thị trường đại chúng với mẫu mã giá thấp.

CÁC NHÀ SẢN XUẤT ĐIỆN THOẠI TRUNG QUỐC CẠNH TRANH TRÊN SÂN CHƠI TOÀN CẦU

Mặc dù Transsion đã củng cố vị thế ở châu Phi và chứng tỏ thành công tại một số thị trường mới, nhưng giờ đây Transsion phải đối mặt với thách thức cạnh tranh ngày càng tăng khi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác đặt mục tiêu tiến vào các khu vực này. Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Trung Đông không còn là thị trường mới để khai thác mà biến thành “chiến trường khốc liệt” hơn.

Khi các nhà sản xuất Trung Quốc thâm nhập bất kỳ thị trường nào, mục tiêu chung luôn được nhắm đến là Samsung, công ty trước đây dẫn đầu toàn bộ khu vực, có nơi thị phần từng cao tới 40%.

Tại Mỹ Latinh, Samsung tuy vẫn giữ vững vị trí đầu ngành trong quý 3 năm nay nhưng phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ vô số nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, Honor, Motorola. Xiaomi tăng cường hợp tác với các công ty viễn thông, Honor tiến hành hợp lý hóa kênh bán hàng và Motorola, bằng cách đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định, đã tăng số lượng xuất xưởng.

Tại thị trường Trung Đông, Xiaomi, Realme và Honor tung ra vô số chiến dịch rầm rộ nhằm cạnh tranh thị trường giá rẻ. Trong quý 3/2023, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi và Realme tại Trung Đông lần lượt là 9% và 133%.

Tại Đông Nam Á, Oppo, công ty Trung Quốc đầu tiên gia nhập thị trường, bất ngờ giành ngôi đầu từ tay Samsung. Một số nhà sản xuất khác, bao gồm cả Xiaomi, đang cố gắng giới thiệu nhiều sản phẩm hơn ở các mức giá khác nhau để chiếm thị phần lớn.

Khi Transsion tiếp tục mở rộng toàn cầu, thách thức nằm ở khả năng điều hướng bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng. Mặc dù thành công ở châu Phi và thắng lợi gần đây tại các thị trường mới rất đáng khen ngợi nhưng con đường phía trước đòi hỏi công ty phải có bước đi chiến lược để luôn đảm bảo vị trí dẫn đầu. Khả năng thích ứng, đổi mới và cộng hưởng với sở thích đa dạng từ người tiêu dùng của Transsion cuối cùng sẽ là chìa khóa duy trì tăng trưởng trên sân chơi quốc tế.