12:59 10/09/2018

Một số cán bộ có tài sản lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc

Nguyễn Lê

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa đặt dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lên bàn nghị sự

Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thực tiễn cho thấy, rõ ràng có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc, Nhà nước cũng chưa có cơ sở nào để xử lý, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Sáng 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi): phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Đây cũng là phiên họp thứ ba liên tiếp trong ba tháng gần đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt dự án luật được cho là rất khó, rất phức tạp và có vấn đề rất mới này lên bàn nghị sự.

Cuối tuần trước, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng đã dành cả một ngày để thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án luật, trong đó có các phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Và, quan điểm cũng khá ngổn ngang, dù phương án xử lý qua toà án được đánh giá có nhiều ưu điểm.

Uỷ ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự án luật) và Chính phủ (cơ quan trình dự án luật) đều đề nghị chọn phương án xử lý tại toà án, nhưng vẫn trình Thường vụ xem xét cả phương án đánh thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo cả hai phương án này đã được xin ý kiến đảng đoàn Quốc hội với đa số tán thành, để xin ý kiến Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, phiên thảo luận sáng 10/9 vẫn cho thấy còn không ít băn khoăn, lo ngại.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Uỷ ban Thường vụ nên bỏ phiếu để chọn lấy một phương án, và quan điểm của ông là chọn phương án đánh thuế.

"Quy định sang tòa, sang viện thì nó phức tạp ra", ông Hiển nói.

Và theo ông Hiển thì nếu chọn phương án thu thuế thì cũng không phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân mà áp mức cao nhất là 35% rồi cộng thêm mức phạt chậm nộp thì có khi còn vượt quá cả số tài sản không kê khai.

"Việc gì phải nặng nề, phải chuyển sang nọ, chuyển sang kia thủ tục rất rườm rà. Cứ quy định rõ phạt mà cái đó luật thuế quy định rõ rồi. Chúng ta cứ làm thế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng", ông Hiển nêu quan điểm.

Nhấn mạnh xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm là vấn đề phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định sẽ trình hai phương án.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định rõ tịch thu tài sản do tham nhũng mà có thì miễn bàn. Riêng đối với tài sản thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai không giải thích hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào xử lý. Trong khi đó không loại trừ những loại tài sản này là bất hợp pháp.

"Quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập tài sản, phòng chống tham nhũng. Trong thực tiễn khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập tăng thêm, thời gian qua cho thấy, rõ ràng có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở nào để xử lý", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, theo Chủ tịch Quốc hội là để phòng chống tham nhũng hiệu quả và phù hợp với lòng dân.

"Dân họ không cần biết ông đó ở tù bao nhiêu năm mà muốn biết vụ án tham nhũng đó đã thu hồi tài sản tham nhũng đó thu hồi được chưa, được bao nhiêu? Đi tiếp xúc cử tri đều hỏi câu này, quan tâm nhất của người dân là thu hồi tài sản tham nhũng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhưng, khi xử lý, theo Chủ tịch thì cần phải tính đến đặc điểm văn hoá của người Việt là tích luỹ tài sản nhiều đời, tặng cho, thừa kế… Tài sản cán bộ công chức hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau, không phải từ lương. Trong khi đó pháp luật cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc tài sản. Các nước thì có, mua cái nhà, cái xe phải chứng minh tiền đó từ đâu có. Còn mình thì cứ có tiền thì mua nhà, mua xe, không phải chứng minh.

Với hai phương án được tính đi tính lại nói trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đều có ưu có khuyết. Phương án xem xét giải quyết tại toà án đa số ý kiến đồng ý vì các nước họ cũng có làm, hiện 25 quốc gia áp dụng phương án giao toà án xử lý. Phương án thu thuế nếu tranh chấp thì cũng ra toà. Ra toà cho khách quan. Còn phương án thu thuế như phân tích của Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển thì đỡ nặng nề tâm lý nhưng chưa thể hiện thái độ mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cả hai phương án, còn có trình ra Trung ương thảo luận hay không, thì do Bộ Chính trị quyết định.