23:13 05/11/2014

“Muốn ứng cử Quốc hội, phải trắc nghiệm thần kinh”

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu đoàn Tp.HCM không ngần ngại bày tỏ quan điểm về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phát biểu tại nghị trường.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân không chỉ cần có trình độ, mà còn cần cả trắc nghiệm về thần kinh, tâm lý, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, chiều 5/11.

Vẫn sôi nổi như các nội dung khác, nhiều đại biểu đoàn Tp.HCM không ngần ngại bày tỏ quan điểm.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, dự thảo luật quy định tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội còn quá đơn giản. “Nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần về có ứng cử được không?”.

Ông Lịch đề nghị người ứng cử đại biểu Quốc hội phải có lý lịch tư pháp, có sức khỏe.

Ứng viên phải khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM) góp ý thêm.

Lưu ý giấy khám sức khỏe của người ứng cử không thể như lái xe, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng một người ứng cử dứt khoát phải làm trắc nghiệm không chỉ về trình độ mà cả về thần kinh, tâm lý. Nếu đạt chuẩn mới cho ứng cử.

“Nếu trình độ, tâm thần của anh không qua trắc nghiệm thì anh đừng ứng cử vì 5 năm kéo dài, hậu quả khó giải quyết", ông Nghĩa phát biểu.

Đại biểu chuyên trách không từ chuyên viên cao cấp trở lên và có 15 năm kinh nghiệm thì không làm được đâu. Phải quy định tiêu chuẩn của đại biểu, quy định về quy trình, quy định về quy trình giới thiệu, người ra ứng cử phải chặt chẽ để có đại biểu có uy tín, dám nói, dám làm, ông Đỗ Văn Đương góp ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhận xét dự luật chưa thể hiện rõ tiêu chuẩn của người tự ứng cử.

Điều kiện của người tự ứng cử là có lý lịch tư pháp, báo cáo thẩm tra nói không quy định phiếu lý lịch tư pháp, nhưng giải thích vì số lượng ứng cử viên đông quá gây khó khăn cho ban tổ chức thì chưa hợp lý, đại biểu Hà nói.

Bên cạnh tiêu chuẩn, nhiều quy định tại khác tại dự luật cũng khiến các vị đại biểu băn khoăn.

Quan tâm đến cơ chế đảm bảo minh bạch về kê khai tài sản, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét các lần bầu cử trước bảng kê khai thường cho thấy ai cũng nghèo, thậm chí quá nghèo.

Liên quan đến vận động bầu cử, quan điểm của đại biểu Võ Thị Dung là các đại biểu đăng ký và có chương trình nên cho tiếp xúc rộng rãi nhưng đảm bảo bình đẳng, đồng thời phải có chế tài ứng viên không tự tổ chức mà phải đăng ký tại Uỷ ban bầu cử hoặc mặt trận tổ quốc.

Với đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì băn khoăn lại nằm ở hình thức Trung ương giới thiệu người về địa phương ứng cử nhưng ở địa phương không biết người này từ trước đến giờ là ai. Và về địa phương, đại biểu Trung ương được trăm ngàn người bầu lên, rồi quay lại về Trung ương làm, một năm chỉ trở lại hai lần.

Ông Nghĩa kiến nghị những người ứng cử trung ương nên đưa hết về Hà Nội. Theo đó ngoài số lượng của Hà Nội có thể thêm một số lượng người của Trung ương ứng cử ở Hà Nội, không về địa phương nữa.