08:11 10/10/2013

“Mỹ có thể tránh vỡ nợ nhưng khó thoát suy thoái”

An Huy

Suy thoái chắc chắn là điều sẽ xảy ra nếu trần nợ không được nâng và có hai lựa chọn được đặt ra cho Washington

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington. Bộ Tài chính Mỹ sẽ sử dụng tiền thuế thu được để đảm bảo khả năng thanh toán tiền lãi suất phát sinh từ nợ quốc gia của nước này.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington. Bộ Tài chính Mỹ sẽ sử dụng tiền thuế thu được để đảm bảo khả năng thanh toán tiền lãi suất phát sinh từ nợ quốc gia của nước này.
Theo các chuyên gia, Bộ Tài chính Mỹ có đủ phương tiện để đưa Washington thoát thảm cảnh vỡ nợ chưa từng có tiền lệ trong trường hợp Quốc hội nước này không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ từ mức 16,7 nghìn tỷ USD hiện tại.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, các chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức dự báo lớn nhận định, Bộ Tài chính Mỹ sẽ sử dụng tiền thuế thu được để đảm bảo khả năng thanh toán tiền lãi suất phát sinh từ nợ quốc gia của nước này. Các nghĩa vụ nợ khác, bao gồm tiền lương công chức liên bang và các khoản thanh toán cho các hợp đồng quốc phòng, có thể sẽ bị cắt giảm. Kết quả là riêng trong tháng 11, chi tiêu chính phủ Mỹ bị cắt giảm khoảng 175 tỷ USD.

“Mức cắt giảm này quá lớn, đến mức có thể đẩy nước Mỹ rơi vào suy thoái”, ông Jim O’Neill, cựu Chủ tịch của quỹ Goldman Sachs Asset Management, người hiện là một nhà báo chuyên mục thuộc Bloomberg View, đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob J. Lew đã nói, các biện pháp đặc biệt mà hiện ông đang sử dụng để giữ nợ công không phá trần sẽ hết hạn vào ngày 17/10. Theo Bộ trưởng Lew, đến ngày đó, Bộ Tài chính sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD trong két, trong khi chi tiêu ròng của Chính phủ có thể lên tới 60 tỷ USD vào một số ngày.

Với số tiền còn lại như vậy, Chính phủ Mỹ sẽ không có đủ khả năng để chi trả các khoản thanh toán. Mỗi ngày, các khoản thu thuế thu nhập và thuế sử dụng lao động mà Bộ Tài chính Mỹ thu được vào khoảng 7 tỷ USD, nhưng các khoản này khác nhau tùy theo từng ngày.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của JPMorgan Chase, ông Michael Feroli, thì cho rằng, nếu Chính phủ Mỹ tránh được vỡ nợ, thì điều đó cũng không đồng nghĩa kinh tế Mỹ sẽ thoát suy thoái. Ông Feroli nói, suy thoái chắc chắn là điều sẽ xảy ra nếu trần nợ không được nâng và có hai lựa chọn được đặt ra cho Washington: hoặc vỡ nợ hoặc cắt giảm mạnh chi tiêu như phương án đã đề cập ở trên.

“Ở phương án thứ nhất, chúng ta sẽ có suy thoái và một cuộc khủng hoảng tài chính”, ông Feroli nói. “Ở phương án thứ hai, chúng ta sẽ có suy thoái”.

Một số chuyên gia khác đánh giá, cho dù tránh được vỡ nợ bằng con đường thứ hai, Chính phủ Mỹ cũng sẽ phải ngay lập tức cắt giảm thâm hụt ngân sách và đưa chi tiêu về trạng thái cân bằng, bởi trần nợ không được nâng đồng nghĩa với việc Washington không thể vay thêm tiền.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách công của nước này vào khoảng 642 tỷ USD, tương đương 4% GDP, trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9 vừa rồi. Theo dữ liệu từ CBO, tiền lãi trái phiếu chính phủ mà Mỹ trả cho các nhà đầu tư trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2012 là 223 tỷ USD, tương đương hơn 0,6 tỷ USD mỗi ngày.

Việc cắt giảm chi tiêu đột ngột và trên quy mô lớn như vậy sẽ diễn ra giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới chật vật hồi phục. GDP nước này tăng trung bình 1,8% trong hai quý đầu năm nay, thấp hơn mức trung bình 2,2% kể từ khi tiến trình hồi phục bắt đầu vào tháng 6/2009.

Ngoài ra, việc cắt giảm chi tiêu sẽ diễn ra vào đúng thời điểm rất nhạy cảm là ngay trước mùa mua sắm cuối năm. Nếu các chương trình phúc lợi xã hội không được đảm bảo, một phần thu nhập quan trọng của đa số người Mỹ sẽ bị cắt giảm, dẫn tới việc các gia đình phải thắt lưng buộc bụng, gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế.

Ở thời điểm hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang (FED) không còn nhiều công cụ để trợ lực cho tăng trưởng trong những kịch bản xấu trên, bởi lẽ lãi suất cơ bản đồng USD đã ở mức không thể thấp hơn là 0-0,25% và mỗi tháng FED đã chi 85 tỷ USD để mua trái phiếu theo chương trình kích thích QE3.

“FED không còn khả năng để bù đắp cho một cú sốc lớn như vậy đối với nền kinh tế. Kịch trần nợ sẽ có ảnh hưởng cực xấu đối với kinh tế Mỹ, thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu”, ông David Stockton, một chuyên gia cao cấp thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, đánh giá.

Ông Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế trưởng của IHS, thì cho rằng khả năng nước Mỹ không nâng được trần nợ trong thời gian từ nay tới ngày 17/10 là rất thấp, có thể chỉ dưới 5%.

Lý do mà ông Behravesh đưa ra cho nhận định này là thiệt hại mà việc không nâng trần nợ và vỡ nợ có thể gây ra là quá lớn, thậm chí là lớn hơn cơn bão tài chính ập đến sau vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008. Trong vòng 5 tháng sau sự kiện Lehman, thị trường chứng khoán Mỹ đã mất gần một nửa điểm số và nền kinh tế nước này rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái của thập niên 1930.