Mỹ điều tên lửa và chiến hạm tới Trung Đông, căng thẳng với Iran tăng mạnh
Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump vào năm ngoái đơn phương rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân
Mỹ ngày 10/5 điều một hệ thống tên lửa phòng không Patriot và một chiến hạm tới khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran.
Hãng tin BBC dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu USS Arlington mang theo phương tiện đổ bộ và máy bay quân sự sẽ gia nhập nhóm tàu tấn công USS Abraham Lincoln ở vùng Vịnh. Ngoài ra, máy bay ném bom B52 của Mỹ cũng đã bay tới một căn cứ ở Qatar.
Lầu Năm Góc nói rằng những động thái trên là phản ứng trước nguy cơ xuất hiện chiến dịch quân sự do Iran tiến hành chống lại lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Mỹ không đưa ra thông tin cụ thể về bản chất của mối nguy mà nước này nói đến, trong khi Iran gọi những gì Mỹ nói là vô căn cứ. Tehran gọi việc Mỹ triển khai lực lượng tới vùng Vịnh là "đòn chiến tranh tâm lý" nhằm đe dọa Iran.
Hãng thông tấn Isna của Iran dẫn lời một giáo sỹ cấp cao của nước này, ông Yousef Tabatabai-Nejad, nói rằng hạm đội Mỹ ở vùng Vịnh có thể "bị tiêu diệt chỉ bằng một quả tên lửa".
Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu nói Mỹ không muốn xảy ra xung đột với Iran nhưng Washington cần "chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lực lượng và các lợi ích của Mỹ trong khu vực". "Bộ Quốc phòng tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của chính thể Iran", một tuyên bố của Lầu Năm Góc nói.
Tuyên bố cho biết hệ thống Patriot - với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, và máy bay chiến đấu tiên tiến - cũng được triển khai tới vùng Vịnh để phòng trường xảy ra bất kỳ vụ tấn công nào.
Cuối tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói việc nước này tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Vịnh sẽ "gửi đi một thông điệp rõ ràng và không thể bị hiểu sai" tới Chính phủ Iran rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực "sẽ bị đáp trả bằng vũ lực không khoan nhượng".
Theo BBC, việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm tới vùng Vịnh không phải là chuyện hiếm gặp, nhưng những động thái mới này làm dấy lên nỗi lo về khả năng bùng phát xung đột.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump vào năm ngoái đơn phương rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân mà Washington và một số cường quốc phương Tây khác đã ký kết với Tehran vào năm 2015. Đây là thỏa thuận quy định Iran hạn chế chương trình hạt nhân nhạy cảm của nước này và cho phép thanh tra quốc tế các hoạt động hạt nhân, đổi lại được nới trừng phạt kinh tế.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tái áp các biện pháp trừng phạt lên nước này. Tháng trước, Mỹ siết trừng phạt bằng cách chấm dứt sự miễn trừ, theo đó buộc 5 quốc gia là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ không được tiếp tục mua dầu Iran. Theo sự miễn trừ mà Mỹ đưa ra vào năm ngoái, 5 nước này được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Mới đây, trong một động thái chưa từng có, Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách nhóm khủng bố nước ngoài.
Chính quyền ông Trump hy vọng rằng bằng những biện pháp cứng rắn trên, Iran sẽ chấp nhận đàm phán một thỏa thuận mới, bao trùm không chỉ các hoạt động hạt nhân mà cả chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như buộc Tehran phải giảm bớt ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran suy giảm mạnh. Tỷ giá đồng Rial của nước này đã giảm giá xuống mức thấp kỷ lục, giới đầu tư nước ngoài tháo chạy, và các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ.
Iran đã liên tục cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ bằng cách chặn eo biển Hormuz, nơi 1/5 thương mại dầu lửa toàn cầu được vận chuyển qua.
Đầu tuần này, Iran tuyên bố sẽ dừng việc thực thi hai cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt. Tehran cũng dọa sẽ đẩy mạnh việc làm giàu uranium nếu Iran không được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt kinh tế sau 60 ngày nữa.
Các cường quốc châu Âu thì nói rằng họ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng "phản đối bất kỳ tối hậu thư nào" từ Tehran nhằm ngăn sự sụp đổ của thỏa thuận.