15:36 31/07/2008

Mỹ mở rộng các chương trình cứu thị trường địa ốc, tài chính

Kiều Oanh

Tổng thống Mỹ phê chuẩn một đạo luật lớn hỗ trợ thị trường địa ốc và FED mở rộng thêm chương trình cho vay khẩn cấp

Tổng thống Mỹ Bush (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson hôm 30/7 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Bush (trái) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson hôm 30/7 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Bush vừa phê chuẩn một đạo luật lớn hỗ trợ thị trường địa ốc nước này. Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng tuyên bố mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp đối với các ngân hàng đầu tư.

Các “đại gia” sẽ được cứu

Đạo luật mà ông Bush vừa ký ngày 30/7 đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tuần trước, sau khi đã được Thượng viện phê chuẩn trước đó. Theo đạo luật này, Bộ Tài chính Mỹ có quyền được hỗ trợ hai tập đoàn đầu tư cho vay cầm cố được Chính phủ Mỹ bảo trợ là Fannie Mae và Freddie Mac trong trường hợp một trong hai hoặc cả hai có nguy cơ sụp đổ. Số tiền chi ra để giải cứu Fannie và Freddie có thể lên tới hàng chục tỷ USD từ ngân sách Chính phủ.

Hiện hai đại gia này nắm giữ hoặc bảo đảm một nửa trong tổng số nợ cầm cố lên tới 12.000 tỷ USD ở Mỹ. Để có tiền chi cho kế hoạch hỗ trợ này, đạo luật đã nâng trần nợ chính phủ Mỹ thêm 800 tỷ USD lên mức 10.600 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý nữa trong đạo luật này là kế hoạch hỗ trợ 400.000 người mua nhà ở Mỹ trả khoản nợ vay cầm cố “có vấn đề” của họ và chuyển sang những khoản vay với lãi suất dễ chịu hơn được chính phủ bảo lãnh. Đây là một chương trình mang tính tự nguyện và các ngân hàng cho vay phải chấp nhận một khoản thua lỗ khá lớn do phải giảm tiền gốc đối với mỗi khoản vay trước khi khoản vay được chính phủ tái cấp vốn.

Đạo luật cho phép Cơ quan Nhà đất Liên bang được bảo lãnh cho 300 tỷ USD các khoản vay như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khoảng 35% trong số những khoản vay được tái cấp vốn rồi sẽ lại trở thành những khoản nợ xấu.

Bên cạnh đó, đạo luật còn bao gồm nhiều biện pháp hỗ trợ khác dành cho những người vay tiền có nguy cơ vỡ nợ, bao gồm một chương trình giảm thuế nhà đất trị giá 15 tỷ USD và một chương trình 4 tỷ USD giúp các chính quyền địa phương mua và nâng cấp các ngôi nhà bị tịch biên.

Đạo luật này được coi là hành động can thiệp mạnh mẽ nhất của Chính phủ Mỹ vào thị trường địa ốc trong hơn một thế hệ qua ở Mỹ. Ông Bush trước đó đã phản đối một số điều khoản trong đạo luật này, nhưng ông chịu áp lực lớn phải phê chuẩn vì tình trạng không lấy gì làm sáng sủa đối với hệ thống tài chính Mỹ hiện nay.

Ngay trước khi đạo luật được ông Bush phê chuẩn, chính quyền của ông đã công bố thông tin rằng, ông sẽ để lại di sản là khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 482 tỷ USD và khoản thâm hụt này còn có thể “phồng to” hơn nữa nếu như giá nhà ở Mỹ tiếp tục giảm, thu nhập doanh nghiệp và cá nhân ở Mỹ tiếp tục giảm như các nhà kinh tế vẫn dự báo.

Gia hạn “phao” cho Phố Wall

Cũng trong ngày 30/7, FED tuyên bố mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp đối với các tổ chức tài chính ở Phố Wall và thực hiện thêm các biện pháp khác để làm dịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng.

Theo kế hoạch của FED, chương trình cho vay khẩn cấp bắt đầu hôm 17/3 sẽ kéo dài tới ngày 30/1 sang năm, thay vì tới giữa tháng 9 năm nay như dự kiến ban đầu. Còn chương trình hoán đổi các khoản đầu tư rủi ro lấy trái phiếu kho bạc Mỹ bắt đầu từ ngày 27/3 cũng sẽ kéo dài đến cuối tháng 1.

Đối với các ngân hàng thương mại, đối tượng này có thể đấu giá các khoản vay tiền mặt có thời hạn lâu hơn, lên tới 84 ngày, bên cạnh các khoản vay 28 ngày như hiện nay vẫn áp dụng.

Các chuyên gia kinh tế ví von, dòng vốn tín dụng chảy đều vào nền kinh tế cũng giống như oxy đối với cơ thể người. Dòng vốn này cho phép người tiêu dùng mua sắm những vật dụng lớn như nhà cửa và xe hơi, đồng thời giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thuê nhân công.

Thời gian quan, ba “gọng kìm” khủng hoảng là khủng hoảng địa ốc, tín dụng và tài chính đã khiến kinh tế Mỹ điêu đứng, tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp tăng mạnh. Do đó, việc bơm tiền vào nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ vào lúc này là những biện pháp hỗ trợ mang tính quyết định.

Sau quyết định của FED, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và ECB cho biết cũng sẽ cung cấp các khoản vay kéo dài 84 ngày dành cho các ngân hàng tại Thụy Sỹ và khu vực sử dụng đồng Euro. Để hỗ trợ ECB, FED đã nâng hạn mức tín dụng của FED dành cho ECB thêm 5 tỷ USD lên mức 55 tỷ USD.

(Theo New York Times, AP)