13:51 06/09/2012

Mỹ-Trung không nhường bước về biển Đông

An Huy

Chuyến thăm Trung Quốc vừa kết thúc của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không đem lại kết quả nào đáng kể

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong buổi họp báo ngày 5/9 tại Bắc Kinh - Ảnh: Feng Li/Press Photo/Wall Street Journal.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong buổi họp báo ngày 5/9 tại Bắc Kinh - Ảnh: Feng Li/Press Photo/Wall Street Journal.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc mà không đạt được kết quả đáng kể nào về giải quyết bất đồng giữa hai nước xung quanh nhiều vấn đề, bao gồm tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo tờ Wall Street Journal, chuyến thăm Bắc Kinh lần này của bà Clinton - rất có thể là chuyến thăm Bắc Kinh cuối cùng của bà với trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ - được giới quan sát quốc tế theo dõi kỹ càng, vì có vẻ như bà Clinton sẽ nhấn mạnh một trục chiến lược trong đó nước Mỹ lại dành sự chú ý và nguồn lực cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một nền tảng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, tờ báo này bình luận rằng, khi tới Bắc Kinh, bà Clinton đã phải đối mặt với sự hoài nghi. Tại đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc và dư luận cho rằng, bà đã tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của nước này. Tuy nhiên, vào ngày 5/9, bà Clinton một lần nữa khẳng định, các động thái của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương không nhằm mục tiêu vào Trung Quốc.

“Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc giữ vai trò quan trọng với tư cách là một lực lượng vì an ninh và hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và cả trên toàn cầu. Nước Mỹ muốn phối hợp với Trung Quốc để giải quyết những thách thức toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm”, bà Clinton phát biều trong một buổi họp báo cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông là một trong những vấn đề được đem ra bàn thảo trong các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm này. Trong đó, vào sáng ngày thứ Tư, bà Clinton đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì một lần nữa phủ nhận tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng trên biển Đông, với cách “nói lấy được” quen thuộc: “Trung Quốc có nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh điều này”.

Phía Mỹ tuy tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển Đông, nhưng khẳng định có lợi ích trong duy trì tự do hàng hải ở khu vực nơi có những tuyến đường vận tải biển huyết mạch này. Theo các nhà phân tích của Mỹ, có khoảng 1,2 nghìn tỷ USD giá trị thương mại của Mỹ di chuyển qua biển Đông mỗi năm, và nước Mỹ lo ngại rằng, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể thách thức những lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Ông Dương Khiết Trì đã tìm cách trấn an lo ngại của các nhà lãnh đạo Mỹ khi nói rằng: “Tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông được đảm bảo. Hiện không có và sẽ không bao giờ có vấn đề gì ở vùng biển này”.

Hãng tin Reuters bình luận, các tuyên bố của hai nhân vật đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ và Trung Quốc trong cuộc họp báo này cho thấy, không bên nào chịu nhường bước trong vấn đề biển Đông. Từ trước đến nay, Trung Quốc đặc biệt “khó chịu” với những đề xuất được Mỹ hậu thuẫn về một giải pháp đa phương cho các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Bắc Kinh vẫn muốn đàm phán riêng lẻ với từng quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông thay vì một giải pháp đa phương.

“Cách hành xử gần đây của Mỹ liên quan tới quần đảo Điếu Ngư và vấn đề biển Đông gây ra sự nghi ngờ rằng, nước Mỹ đang tìm cách gây bất hòa để tạo lợi thế cho mình”, một bài bình luận trang nhất trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, có đoạn viết được Reuters trích dẫn.

Cuộc gặp Mỹ-Trung lần này diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm chính trị đối với cả hai quốc gia. Nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, trong khi cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới có một lần ở Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu trong một vài tuần hoặc một vài tháng tới.

Ngoài vấn đề biển Đông, hai bên còn thảo luận về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư mà phía Nhật đang kiểm soát với tên gọi là Senkaku.

Báo chí Nhật hôm 5/9 đưa tin, Chính phủ Nhật đã đạt thỏa thuận với một chủ sở hữu tư nhân để mua lại ba đảo lớn của quần đảo Senkaku. Động thái này sẽ đưa các hòn đảo trong diện tranh chấp về dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Nhật.

Đáp trả thông tin trên, người phát ngôn Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng: “Nhật Bản nhất quyết thúc đẩy tiến trình mua lại đảo, làm phương hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và tổn thương nhân dân Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có thể đặt câu hỏi là Nhật Bản sẽ dẫn quan hệ Trung-Nhật đi tới đâu?”.