10:26 25/11/2015

NATO trước “tình huống nghiêm trọng” sau vụ bắn hạ Su-24

An Huy

Một trong những vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Nga với một thành viên NATO nửa thế kỷ qua

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga ngày 24/11 là một hành động “đâm lén sau lưng”.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga ngày 24/11 là một hành động “đâm lén sau lưng”.<br>
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối diện nguy xảy ra một cuộc khủng hoảng mới tại khu vực Trung Đông sau khi một máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11.

Theo tờ Washington Post, vụ việc này đánh dấu một bước leo thang mạnh và có khả năng khiến mối quan hệ giữa Nga với NATO trở nên căng thẳng hơn.

Đây được xem là một trong những vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Nga với một thành viên NATO nửa thế kỷ qua.

“Đâm lén sau lưng”

Giới chức Nga đã xác nhận chiếc Su-24 của nước này bị máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào sáng ngày 24/11 theo giờ địa phương, nhưng khẳng định chiếc máy bay không hề vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ như những gì mà Ankara tuyên bố.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ít nhất một trong hai phi công trên chiếc Su-24 có thể đã thiệt mạng khi máy bay bị bắn. Ngoài ra, một lính thủy đánh bộ Nga đã thiệt mạng khi một trong hai chiếc trực thăng Mi-8 bị tấn công trong lúc tìm cách giải cứu hai phi công của chiếc Su-24. Chiếc trực thăng cứu hộ này đã bị bắn rơi ở khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria.

Vụ chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ hạ một lần nữa thu hút sự chú ý đối với một kịch bản mà Lầu Năm Góc đã quan ngại suốt nhiều tháng qua: nguy cơ xảy ra xung đột xuất phát từ các chiến dịch không kích chồng chéo ở Syria. Hiện đang diễn ra đồng thời một chiến dịch không kích của Nga và một chiến dịch không kích khác do Mỹ dẫn đầu ở nước này.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Nga liên tục xâm phạm không phận của nước này kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria vào cuối tháng 9.

Phản ứng trước vụ việc chiếc Su-24 bị bắn rơi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng những ngôn từ mạnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ, gọi vụ việc này là một hành động “đâm lén sau lưng”.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các bên kiềm chế và giảm căng thẳng, nhưng nói Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận của mình.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói chiếc máy bay chiến đấu của Nga đã bị cảnh báo nhiều lần trước khi trở thành mục tiêu của hai chiến đấu cơ F-16 ở vùng núi thuộc biên giới phía Tây Syria, cách không xa bờ biển Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn cấp của NATO để thảo luận về vụ việc, nhưng chưa có động thái nào cho thấy sẽ kích hoạt các điều khoản trong Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.

“Hậu quả lớn”

Sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói các nước đồng minh NATO có lực lượng tình báo gần nơi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của Nga đã xác nhận những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ nói về vụ việc là đúng.

Đồng thời, ông phủ nhận tuyên bố của Nga rằng chiếc chiến đấu cơ bị bắn hạ khi đang bay trên không phận Syria, và không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đây là một tình huống nghiêm trọng, đòi hỏi sự xử lý khôn ngoan và giảm căng thẳng”, ông Stoltenberg nói. “Chúng tôi cần phải tránh những tình huống, sự kiện, sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Tháng trước, NATO đã chỉ trích “sự leo thang phức tạp” do lực lượng của Nga ở Syria gây ra, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra những cuộc tấn công ngay sát biên giới của liên minh quân sự này.

Theo tuyên bố của Nga, chiến dịch của nước này ở Syria là nhằm tấn công tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng theo đánh giá của phương Tây, chiến dịch này nhằm hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng cách dội bom vào các lực lượng nổi dậy chống Assad.

Trong khi đó, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria có mục tiêu chống IS, đã kéo dài hơn 1 năm và gần đây được tăng cường sau vụ thảm sát ở Paris hôm 13/11. Sau vụ khủng bố gây chấn động ở Pháp, phương Tây tìm cách lôi kéo Nga chung tay diệt IS, nhưng hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận cụ thể nào ngoài những lời cam kết chung chung.

Phát biểu tại Sochi ngày 24/11, Tổng thống Putin nói chiếc Su-24 của Nga “không hề đe dọa lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”, mà thay vào đó đang “theo đuổi chiến dịch” chống IS ở vùng miền núi phía Bắc cảng Latakia của Syria.

“Sự việc nghiêm trọng ngày hôm nay sẽ gây hậu quả lớn đối với quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói.

Một số nghị sỹ Nga đã kêu gọi trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách sơ tán du khách Nga khỏi những điểm đến du lịch nổi tiếng của nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hủy một chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên lịch từ trước.

Trước khi xảy ra việc máy bay chiến đấu Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, quan hệ giữa Moscow và Ankara đã căng thẳng do Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Nga không kích một số ngôi làng ở Syria có cư dân chủ yếu là người Turkmen, một dân tộc thiểu số có quan hệ văn hóa gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay không người lái bị cho là do Nga sản xuất ở khu vực gần biên giới Syria. Giới chức Nga đã phủ nhận sự liên hệ giữa nước này với chiếc máy bay bị bắn hạ và đã cử một phái đoàn tới Thổ Nhĩ Kỳ để xoa dịu tình hình.

Đầu tháng 10 vừa qua, Nga từng chính thức xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ khi một chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận nước này và bị máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường. Giới chức Nga nói vụ việc này là do “lỗi dò đường”.