"Ngã ngũ" vụ kiện 7 năm của Samsung và Apple
Đây là một trong những vụ kiện kéo dài nhất trong lịch sử ngành công nghệ
Ngày 27/6, Tòa án Quận Bắc California cho biết hai đại gia công nghệ Apple và Samsung đã đi đến thỏa thuận cuối cùng cho vụ kiện kéo dài ròng rã 7 năm, tờ Financial Times cho biết.
Năm 2011, Apple khởi kiện Samsung, cho rằng công ty Hàn Quốc đã sao chép thiết kế của iPhone. Một năm sau đó, Apple được xử thắng kiện. Tuy nhiên, 6 tháng sau, Samsung gửi đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao, rồi đơn kiện được trả về tòa án cấp quận và vụ kiện kéo dài từ đó đến nay.
"Tất cả kiện cáo và kháng cáo trong vụ việc này từ đây được bãi bỏ", thẩm phán Lucy Koh của Tòa án San Jose, quận Bắc California - địa điểm chính của cuộc chiến pháp lý từ năm 2011, cho biết ngày 27/6. Tuy nhiên, chi tiết điều khoản dàn xếp vụ kiện này không được tiết lộ.
Tháng trước, bồi thẩm đoàn tại tòa án ở San Jose đã quyết định Apple thiệt hại gần 540 triệu USD vì Samsung. Trước đó, năm 2012, Apple được xác định thiệt hại 1,05 tỷ USD do vi phạm bản quyền của Samsung nhưng con số này sau đó được giảm xuống do lỗi tính toán của bồi thẩm đoàn. Tháng 11/2017, Samsung phải bồi thường cho Apple 120 triệu USD vì sao chép chức năng trượt để mở khóa của iPhone.
"Tôi cho rằng việc dàn xếp này hoàn toàn không có tác động nào đối với thị trường hiện tại", Paul Berghoff, đồng sáng lập hãng luật McDonnell Boehnen Hulbert & Berghoff, cho biết. "Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi việc đã kết thúc để cả hai công ty có thể tập trung các nguồn lực vào vấn đề khác".
Bất chấp việc Samsung là nhà cung cấp nhiều linh kiện quan trọng cho các sản phẩm của Apple, gã khổng lồ Mỹ vẫn không ngại đâm đợn kiện với số lượng tăng dần trong nhiều năm gần đây.
"Chúng tôi tin tưởng sâu sắc vào giá trị của thiết kế và đội ngũ của chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để tạo ra những sản phẩm sáng tạo làm hài lòng khách hàng", Apple nói.
PViệc dàn xếp vụ kiện sau 7 năm cũng giải phóng các nguồn lực của Apple để tập trung cho vụ tranh chấp trị giá nhiều tỷ USD liên quan tới bản quyền với nhà sản xuất chíp Qualcomm.