14:46 08/01/2009

Ngân hàng, điểm sáng của kinh tế Trung Quốc thời suy thoái toàn cầu

Mai Phương

Trong bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện vẫn nổi lên một điểm sáng, đó là ngành ngân hàng

Dịch vụ ngân hàng tự động bên ngoài trụ sở Ngân hàng CITIC tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP.
Dịch vụ ngân hàng tự động bên ngoài trụ sở Ngân hàng CITIC tại Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan tới Trung Quốc, làm nhiều nhà máy ở nước này phá sản, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng, đe dọa bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện vẫn nổi lên một điểm sáng, đó là ngành ngân hàng được xem là có sức khỏe tốt của nước này.

Có chuyên gia cho rằng, cách đây 10 năm, ngành ngân hàng của Trung Quốc nằm trong số những hệ thống ngân hàng yếu nhất thế giới, nhưng hiện nay lại đang nằm trong số những hệ thống ngân hàng mạnh nhất. Mặc dù vậy, ngành ngân hàng của nước này còn ở nhiều mặt chưa phát triển.

Thành công từ việc điều chỉnh các quy tắc

Nhiều người có thể đặt câu hỏi là làm thế nào mà các ngân hàng Trung Quốc đạt được tiến bộ này?

Câu trả lời ngắn gọn là Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều quy tắc thị trường tương tự như ở các nước phương Tây đối với các ngân hàng. Đồng thời, Trung Quốc đã tăng cường các quy chế và hoạt động giám sát như áp dụng các quy tắc về vốn có độ rủi ro cao, thắt chặt các tiêu chuẩn về nợ xấu và dự phòng.

Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải báo cáo tình hình tài chính của họ theo tiêu chuẩn kế toán phương Tây. Hiện hai trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường là Công Thương Trung Quốc (ICBC) ở vị trí đầu bảng và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) ở vị trí số 3.

Từ năm 1998, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tái cấp vốn cho các ngân hàng. Vài năm sau đó, Chính phủ nước này đã dùng gần 60 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để thực hiện công việc này. Các ngân hàng có thể sử dụng danh mục nợ xấu của họ để đổi lấy trái phiếu Bộ Tài chính có độ an toàn cao. Các khoản nợ xấu được chuyển sang cho các cơ quan đặc biệt do Chính phủ thành lập chuyên cho mục đích này. Thu nhập từ các loại tài sản tái cơ cấu này chiếm tới 60% lợi nhuận của ngân hàng ICBC trong năm 2006.

Trước đây, dưới hệ thống đánh giá rủi ro của Trung Quốc, các ngân hàng Trung Quốc có thể công bố rằng nợ của các công ty quốc doanh có độ rủi ro bằng 0. Điều này cho phép các ngân hàng có bảng cân đối kế toán khổng lồ mà trên thực tế, họ không có đồng vốn nào. Nhưng tình trạng này hiện đã chấm dứt. Từ ngày 30/9/2008 vừa qua, hệ số đủ vốn  (capital adequacy ratio – CAR) bình quân của các ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán đã là 13%, cao hơn nhiều so với mức chuẩn 8% như yêu cầu của Chính phủ.

Cách xác định nợ xấu cũng đã thay đổi nhanh chóng. Trước đây, các khoản nợ xấu thường được đảo nợ, theo đó, những khoản phải trả chưa được trả được gộp vào nợ cũ. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã quy định, những khoản trả lãi vay phải được trả trong vòng 90 ngày, nếu không khoản vay đó sẽ bị coi là nợ xấu.

Ban đầu, sau khi quy định này ra đời, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh. Nhưng tới ngày 30/9/2008 vừa qua, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết của Trung Quốc chỉ là 2%, thấp hơn với tỷ lệ nợ xấu 2,3% của các ngân hàng của Mỹ do Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang nước này (FDIC) bảo hiểm.

Hệ thống dự phòng nợ xấu cũng đã thay đổi. Trước khi cải tổ diễn ra, các ngân hàng Trung Quốc không phải dự phòng nợ xấu, cho dù chất lượng danh mục cho vay của họ có bất ổn. Tới ngày 30/9/2008, dự phòng nợ xấu của các ngân hàng niêm yết ở Trung Quốc đã đạt mức ấn tượng là 123% so với lượng nợ xấu.

Vào năm 2003, các nhà chức trách Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng của nước này từ mức 15% lên 20%. Quy định này đem tới cho các ngân hàng của Trung Quốc thêm nhiều vốn và sự tín nhiệm, mở đường cho các vụ IPO bắt đầu vào năm 2005.

Điều này cũng cho phép các ngân hàng Trung Quốc tiếp cận với kinh nghiêm quản lý của các ngân hàng ngoại. Tuy nhiên, may cho các ngân hàng Trung Quốc là họ không học tập các ngân hàng phương Tây ở điểm dám chấp nhận mức rủi ro quá cao.

Kết quả ấn tượng là các ngân hàng niêm yết của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng 53% trong quý 3/2008 so với cùng kỳ năm 2007.

Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là các ngân hàng ở Trung Quốc đã gần như “đứng ngoài” cơn bão nợ dưới chuẩn ở Mỹ. Theo tính toán của một số chuyên gia, các ngân hàng Trung Quốc cùng lắm chỉ chịu mức hao hụt tài sản (write-down) 0,1% do sở hữu các loại chứng khoán độc hại của Mỹ.

Những khó khăn

Tuy nhiên, suy thoái toàn cầu cũng đang gây ra một số rủi ro nhất định đối với sự lớn mạnh của các ngân hàng Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm gần đây của Trung Quốc nhờ hoạt động xuất khẩu đã giúp các ngân hàng ở đây tỏa sáng. Sự giảm tốc nhanh chóng của nền kinh tế này, vì thế, đang gây trở ngại lớn nhất cho ngành ngân hàng.

Năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 11,4%, nhưng có thể sẽ giảm xuống mức 5 - 8% trong thời gian tới và sự sụt giảm này được xem là đáng sợ ngang với sự đi xuống mà kinh tế Mỹ đang phải trải qua.

Trước đây, mức tăng trưởng hai con số giúp lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc tăng vọt. Năm 2008, lợi nhuận trước thuế của các công ty Trung Quốc chiếm 11% GDP so với mức 4% trong năm 2001. Do đó, với sự giảm tốc kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp chắc chắn giảm theo, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu ở phương Tây không trực tiếp gây tác động tới Trung Quốc, nhưng sự suy thoái toàn cầu là hệ quả của cuộc khủng hoảng này đã làm nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu - đóng một vai trò then chốt trong nền kinh tế Trung Quốc - sụt giảm. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn bảo hộ các ngân hàng bằng cách đặt trần lãi suất tiền gửi và cắt giảm thuế cho các ngân hàng. Điều này khiến các ngân hàng Trung Quốc che giấu được một vài khiếm khuyết của họ.

Bởi thế, có thể nói các ngân hàng Trung Quốc có khả năng bị tổn thương trước những biến cố bên ngoài, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng. Tuy nhiên, việc xảy ra khủng hoảng là điều khó xảy ra. Chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp và khả năng để ngăn chặn sự giảm tốc kinh tế, mà gói kích thích 586 tỷ USD gần đây là một ví dụ. Mặt khác, các ngân hàng Trung Quốc hiện cũng đã được chuẩn bị tốt hơn nhiều để đối phó với nợ xấu so với nhiều năm trước.

(Theo Newsweek)